Lấy Chồng

Một câu hỏi mà dạo gần đây tôi nghe rất nhiều từ mọi người đó là: – Khi nào thì em lấy chồng?

Không biết là ngẫu nhiên hay trùng hợp kiểu gì mà cách đây vài tuần anh bạn trai cũ mời tôi đi uống cà phê rồi hỏi tôi:

– Em nói là sau khi học xong tiến sĩ em sẽ kết hôn. Giờ thì cũng xong hết rồi vậy khi nào em sẽ kết hôn vậy?


Tôi không trả lời câu hỏi của anh mà tôi hỏi ngược lại:

– Thế nếu em kết hôn, anh sẽ đến dự đám cưới của em chứ?

– Tất nhiên là anh muốn.

– Okie, vậy khi nào cưới em sẽ mời anh.

Buổi tối hôm sau tôi lên Facebook kiểm tra tin nhắn liên quan đến công việc, vô tình gặp lại một người bạn cũ thời cấp 3. Bạn ấy đã nhắn tin cho tôi vài hôm trước nhưng vì thấy tên lạ nên tôi không trả lời. Dù ngày xưa cũng không thân nhau nhưng do bạn hỏi thăm nên tôi cũng dành thời gian chat với bạn đôi lúc. Trước khi chào tạm biệt nhau, bạn ấy nói một câu:

– Năm nay 34 rồi, lấy chồng đi. Nếu muốn sinh hộ thì bao lâu [lấy chồng] cũng được, Thủy lớn tuổi sinh khó đó.


Vài ngày sau đó, một anh học viên trong lớp tiếng Anh gửi cho tôi một cái clip trên Youtube, tựa đề của cái clip ghi là “Cô gái có nhan sắc, có học thức, chỉ chưa có chồng thôi”. Sau đó anh ấy nhắn thêm một câu: “Giống như my teacher” (Giống như cô giáo của tôi nè)


Khi đó, tôi đã phải thốt lên: What’s wrong with these men??? (Những người đàn ông này bị cái gì vậy???)


Quay trở lại vài năm về trước, tôi chẳng những nghe nhiều mà thậm chí là rất nhiều lần ba câu hỏi quen thuộc (chứ không phải một câu hỏi như bây giờ) đó là: Khi nào thì học xong tiến sĩ? Khi nào thì về nước? Khi nào thì lấy chồng? Giờ thì việc học đã hoàn thành nên không ai hỏi nữa. Tuy nhiên, đó là câu hỏi mà tôi tin tất cả các nghiên cứu sinh đều rất ghét để nghe. Vì đó là câu hỏi khiến họ bị áp lực nhiều nhất. Còn việc về nước hay không thì tôi cũng đã rất rõ ràng quan điểm của mình, đó chỉ là vấn đề thời gian. Việc đi hay ở trong cái thời buổi công dân toàn cầu này thì không còn là đề tài mới mẻ để mọi người phải quá bận tâm nhiều như thế. Vì vậy câu hỏi gần đây dồn vào việc khi nào tôi lấy chồng. Những người hỏi tôi, có thể là do họ quan tâm thật sự đến cuộc sống cá nhân của tôi, nhưng đa phần tôi tin là do tính hiếu kỳ.


Nếu là những người bạn thân thật sự của tôi, họ không bao giờ hỏi tôi câu hỏi này. Đơn giản là vì họ hiểu rằng tôi sẽ làm một điều gì đó khi tôi đã thật sự sẵn sàng. Rằng họ không bao giờ giục tôi hay tạo thêm áp lực cho tôi vì họ luôn tôn trọng các quyết định liên quan đến cuộc sống cá nhân tôi. Họ cũng sẽ luôn hiểu rằng các quyết định hay sự lựa chọn của tôi luôn luôn có lý do của nó dù nó có được đồng tình hay không.


Cách đây vài hôm, một người bạn thân nói với tôi: – Em có bạn trai rồi chị ạ, em cũng mới bắt đầu mối quan hệ gần đây. Tôi không hỏi người ấy là ai, đến từ đâu, làm nghề gì..? Tôi chỉ hỏi cô ấy duy nhất một câu: – Anh ấy có phải là người tốt không và em có hạnh phúc không? Tôi không hỏi cô ấy thêm điều gì cả vì tôi ý thức được một điều, khi người ta đủ tin tưởng bạn và khi họ đã sẵn sàng để kể cho bạn nghe về mối tình đó thì họ sẽ làm như thế. Đó là cách tôi tôn trọng sự riêng tư của người khác. Cái tôi quan tâm duy nhất là bạn tôi có hạnh phúc với người ấy hay không, những điều còn lại là do quyết định của bạn vì đó là cuộc sống riêng tư của bạn nên tôi luôn tôn trọng nó tuyệt đối. Tuy nhiên cô ấy cũng đã kể cho tôi nghe về anh ấy, tôi nghĩ vì cô bạn của tôi tin tưởng mình.


Việc bị hỏi có bạn trai chưa, bạn trai là ai, khi nào lấy chồng, … tôi nghe đầy hai cái lỗ tai bao nhiêu năm qua. Nhiều người có lẽ vì nóng lòng dùm vì thấy tuổi thanh xuân của một người con gái đang dần trôi qua mà chưa thấy rụt rịt gì. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đã yên bề gia thất, đã có con cái và gia đình đầm ấm. Nên tự bao giờ, tôi vô tình trở thành một người đáng thương, đáng tội nghiệp trong mắt một số người. Tuy nhiên có thể mỗi người sẽ có quan niệm khác nhau về cái gọi là thanh xuân. Tôi không định nghĩa thanh xuân của một người, đặc biệt là người con gái, dựa trên tuổi tác của họ. Với tôi thời điểm thanh xuân nhất của một người là khi họ có cuộc sống hạnh phúc nhất, an yên nhất, viên mãn nhất, chứ không phải khi họ đang ở độ tuổi đẹp nhất như trăng tròn hay đôi mươi như người ta thường nói. Có lẽ thanh xuân của tôi đến muộn hơn so với các bạn bè cùng trang lứa nên ở thời điểm hiện tại tôi mới bắt đầu cảm nhận được cái gọi là thanh xuân của mình. Tôi luôn cảm thấy rất ổn với cuộc sống không có bạn đời vì tôi được chủ động quyết định các hoạch định của bản thân mà không bị bận tâm hay bị chi phối quá nhiều bởi hai chữ chồng con.


Nhiều người bạn của tôi sau khi kết hôn và có con cũng đã ao ước được quay về cái thời còn độc thân, cái điều mà họ không thể nào có được nữa. Suy cho cùng, việc kết hôn là một sự lựa chọn và việc chưa kết hôn cũng là một sự lựa chọn. Dù là quyết định nào thì nó cũng nên được tôn trọng. Có người chọn an yên với cuộc sống gia đình, nơi mà mỗi khi họ gặp sóng gió, ít nhất họ sẽ có người đồng hành, thay vì phải một mình vượt qua. Có người chọn cuộc sống độc thân, đơn giản là vì họ cảm thấy họ vẫn rất ổn và hạnh phúc với nó. Nếu bạn đủ may mắn có được người bạn đời thấu hiểu và biết sẽ chia thì việc chọn kết hôn cũng là một sự lựa chọn nên làm. Nhưng công bằng mà nói thực tế luôn chứng minh điều ngược lại. Rằng không phải ai cũng may mắn tìm được người bạn đời như thế. Cứ nhìn vào những người thân xung quanh và bạn bè của chúng ta, có bao nhiêu người thật sự được hạnh phúc sau kết hôn? Rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ sau một vài năm đầu, thường là sau khoảng thời gian họ đã có con với nhau. Những buổi tiệc cưới đình đám, khoa trương chào đón thời điểm họ về chung một nhà dần dần bị thay thế bằng những hụt hẫng, những chán chường và đổ vỡ vài năm sau đó, có khi chỉ là vài tháng. Đã nhiều lần tôi tự hỏi: – Liệu rằng việc kết hôn có phải là sự lựa chọn tốt nhất?


Câu trả lời sẽ là CÓ nếu bạn chọn kết hôn khi bạn và người bạn đời của mình đã thật sự sẵn sàng gắn bó cuộc đời mình với nhau, đã đủ thấu hiểu nhau, đủ cảm thông cho đối phương, đủ sự bao dung, kiên nhẫn và quyết tâm để không buông tay nhau khi gặp sóng gió. Kết hôn suy cho cùng cũng chỉ là hình thức hợp pháp hóa một mối quan hệ đã đủ trưởng thành và nghiêm túc. Người ta chỉ nên kết hôn để được hạnh phúc hơn chứ không nên kết hôn chỉ vì áp lực tuổi tác, vì sự kỳ vọng của người đời hay chỉ để thoát ế. Việc kết hôn càng trở nên sai lầm hơn nếu bạn kết hôn chỉ để có con vì khi ấy việc kết hôn là đang phục vụ cho bản thân bạn (là có con) chứ không thật sự suy nghĩ cho con của mình.


Nói về sự đổ vỡ trong hôn nhân tôi cũng có một vài điều chiêm nghiệm được dựa trên các quan sát thực tế của cá nhân. Thường thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một cặp đôi nào đó không thể duy trì cuộc hôn nhân của họ lâu dài. Nhưng suy cho cùng có ba nguyên nhân chính mà tôi đã rút ra được. Thứ nhất là cuộc hôn nhân của họ không được xây dựng trên nền tảng vững chắc trước khi kết hôn. Nền tảng này bao gồm tình yêu thật sự, sự tin tưởng, sự thấu hiểu, sự tôn trọng, sự bao dung, sự hy sinh, sự quan tâm và sự chân thành dành cho nhau. Thứ hai, kể cả khi họ đã đáp ứng đầy đủ các yêu tố ở trên nhưng khi họ chưa có một sự chuẩn bị đủ tốt cho cuộc sống hôn nhân gia đình như về mặt tinh thần, kinh tế, cũng như các kỹ năng giải quyết xung đột trong gia đình, … cũng sẽ dẫn đến khả năng đổ vỡ cao sau kết hôn. Tôi gọi chung những cặp đôi này là chưa thật sự sẵn sàng hoặc chưa có sự chuẩn bị đủ tốt cho cuộc hôn nhân của họ.


Để khắc phục điều này, cả hai người cần có nghề nghiệp ổn định và tự lập về mặt tài chính trước khi kết hôn. Người ta thường nói “Phụ nữ hơn nhau là ở tấm chồng”. Tôi thì không đồng ý với quan điểm này. Nếu bạn muốn có tự do, muốn được tôn trọng và muốn làm chủ cuộc đời mình thì hãy tự lập về mặt tài chính trước khi kết hôn. Điều này cũng sẽ giúp bạn vẫn có thể sống ổn kể cả khi bạn không có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc như mong đợi sau đó. Về mặt chuẩn bị tinh thần cũng như các kỹ năng giải quyết các xung đột gia đình, kỹ năng nuôi dạy con,… chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi và rút kinh nghiệm từ sách vở, phim ảnh và từ những trải nghiệm thực tế của những người đi trước. Tôi thường thích quan sát cái cách những cặp đôi xung quanh cư xử như thế nào trong mối quan hệ của họ rồi tự rút ra bài học cho bản thân. Kể cả đó là một mối quan hệ hôn nhân hạnh phúc hay thất bại, nó cũng dạy bạn nhiều điều hữu ích bằng cách này hay cách khác. Người ta thường ngạc nhiên về việc tôi nói quá nhiều về các cuộc hôn nhân như thể tôi là người đã trải nghiệm nó, nhưng suy cho cùng bạn không nhất thiết phải chờ cho đến khi bạn trải nghiệm nó mới có thể thấu hiểu được nó. Chúng ta có thể tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Tôi thì luôn chọn phương pháp quan sát để chiêm nghiệm cuộc sống tốt hơn.


Một nguyên nhân phổ biến thứ ba chịu trách nhiệm cho tỷ lệ ly hôn cao đó là việc các cặp đôi thường quên mất việc xây dựng và vun đắp tình yêu của họ sau hôn nhân. Thường thì người ta luôn nghĩ rằng những gì của mình thì sẽ mãi là của mình và nó sẽ mãi ở đó. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Mọi sự vật, mọi sự việc luôn biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống nên mọi thứ luôn thay đổi từng ngày, kể cả tình yêu. Không có gì là mãi mãi và đứng yên ở đó. Nếu bạn không vun đắp tình yêu, không nuôi dưỡng nó thì nó sẽ không lớn lên từng ngày được. Việc vun đắp tình yêu nên bắt đầu bằng sự sẽ chia, việc có thể nói chuyện được với nhau rất quan trọng trong việc duy trì một mối quan hệ. Người ta thường không nói ra những gì họ chưa hài lòng về nhau. Họ thường để trong lòng vì cho nó là chuyện nhỏ nhặt hoặc là mong chờ đối phương phải tự đoán ra và tự hiểu. Nhưng những mâu thuẩn, dù là nhỏ nhặt nhất, giống như những con virus lâu ngày sẽ ăn mòn sự gắn kết và lòng tin của bạn. Nếu những mâu thuẫn không được giải quyết ngay và dứt điểm từ ban đầu thì lâu ngày những mâu thuẫn đó sẽ tích lũy thành một ngọn núi cao hơn và dần tạo một khoảng cách vô hình trung đẩy cả hai xa nhau hơn. Vì vậy nếu một ngày khi các mâu thuẫn không còn có thể cứu vãn, việc chia tay cũng là kết quả dễ hiểu.


Người ta thường nói về sự tôn trọng nhau trước khi kết hôn mà quên mất điều này cũng cần tiếp tục được duy trì kể cả sau hôn nhân. Chúng ta thường nâng niu người mình yêu, luôn tôn trọng và đặt họ ở một vị trí quan trọng trong lòng, đã từng xem họ là cả thế giới cho đến khi ta kết hôn. Sự tôn trọng sau hôn nhân nên bao gồm tôn trọng ý kiến cá nhân, tôn trọng sự riêng tư và tôn trọng các quyết định của nhau. Khi tôi đặt vấn đề về sự riêng tư sau hôn nhân, nhiều người khá ngạc nhiên và tỏ vẻ không đồng tình vì cho rằng khi đã là vợ chồng thì hai sẽ trở thành một, nhất định phải luôn ở chung, phải luôn ngủ chung, phải luôn chia sẽ mật khẩu điện thoại, email, Facebook… Thật ra mỗi người chúng ta là một thực thể cá nhân riêng biệt và chúng ta luôn có nhu cầu về sự riêng tư khác nhau. Tôi tin là bạn chắc chắn sẽ có lúc rất cần một khoảng không gian riêng, rất riêng tư, nhất là những lúc mâu thuẫn với bạn đời. Sau này nếu có lấy chồng tôi cũng sẽ đề nghị với anh ấy rằng chúng tôi nên có một phòng ngủ dự phòng để mỗi khi ai đó trong chúng tôi cần một khoảng không gian riêng thì cứ sang đấy ngủ.


Sự riêng tư cũng cần được tôn trọng tuyệt đối như vấn đề mật khẩu điện thoại hay email. Thật ra vẫn có nhiều người chọn việc quản lý và kiểm tra mật khẩu của người kia như một cách để thể hiện quyền lực hoặc kiểm tra tính chung thủy của đối phương. Chúng ta không nhất thiết phải làm như thế vì hôn nhân bản thân nó không phải là sự kiểm soát lẫn nhau mà là sự tự nguyện và lòng tin. Nhiều khi biết quá nhiều sự thật lại càng làm bạn đau lòng hơn so với việc bạn chưa biết gì. Ai cũng có những bí mật của riêng mình, nếu đã sẵn sàng chia sẽ, họ đã không cài mật khẩu. Vì vậy chúng ta cần tôn trọng sự riêng tư của nhau kể cả khi các bạn đã là một đôi.


Tôi đã từng trải qua một mối quan hệ không lành mạnh (toxic relationship). Nó đã để lại nhiều dư chấn tinh thần cho tôi trong một khoảng thời gian dài và phải mất rất lâu sau đó tôi mới có thể lấy lại niềm tin vào tình yêu và chịu mở lòng mình thêm lần nữa. Vì vậy tôi luôn rất dè dặt và cân nhắc khi bàn về việc kết hôn. Chỉ là không muốn lãng phí thời gian của mình thêm một lần nào nữa cho một mối quan hệ mà không thể đi đường dài được với nhau. Cũng không có gì là bất ổn hay bất bình thường với một cuộc sống độc thân. Ngược lại, tôi thật sự rất ổn và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Tôi sẽ và chỉ sẽ lấy chồng khi nào tôi đã thật sự sẵn sàng để gắn bó cuộc đời mình với một ai đó. Những yếu tố khác như tuổi tác, thanh xuân, nhu cầu con cái và sự mong chờ của người đời không có ý nghĩa nhiều trong quyết định của tôi.


Suy cho cùng chưa vội kết hôn cũng không phải là một điều gì đó quá kinh khủng, nó chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn. Tôi không nghĩ sống độc thân là một sự bất hạnh. Chỉ là bạn đang muốn kéo dài và tận hưởng lâu hơn cuộc sống độc thân một chút so với người khác, rằng bạn cần nhiều thời gian hơn cho một quyết định rất quan trọng của cuộc đời để gắn bó cả đời với một ai đó. Nghĩa rằng bạn cũng sẽ bắt đầu một gia đình chỉ là hơi muộn hơn so với người khác nhưng bạn đủ chín chắn và nghiêm túc để duy trì và vun vén cho nó. Chỉ là bạn không muốn vội vã và đủ kiên nhẫn để chờ gặp đúng người cần tìm. Nếu không phải là một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì việc sống hạnh phúc với cuộc sống độc thân ở hiện tại vẫn tốt hơn rất nhiều lần so với việc bất hạnh trong một mối quan hệ hôn nhân chịu đựng và địa ngục. Không phải vậy hay sao???


Thuynhoi Tran
24.10.2021

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.

2 COMMENTS

  1. Bé Chu | 25th Oct 21

    Em đã đọc và em nghĩ là em sẽ còn đọc lại nhiều lần nữa <3 luôn là tấm gương tốt để em học hỏi, ngàn tymm

    • Thuy Tran | 11th Nov 21

      Cảm ơn em gái đã đọc Blog của chị nha! Lại có động lực viết lách tiếp rồi <3

Leave A Comment