Tết Xa Quê Hương

(Nguồn video: Truyền Hình Hậu Giang)

Những ngày cuối năm thường là dịp để mỗi người nhìn lại hành trình đã qua của năm cũ. Có quá nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho những chặng đường mà tôi đã đi qua trong năm qua. Năm nay thật đặc biệt không những vì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống toàn cầu mà vì năm nay là năm thứ tư liên tiếp tôi không được quây quần ăn Tết bên gia đình. Tết xa quê hương thường làm con người ta hoài cổ hơn, nhớ nhung nhiều hơn những kỷ niệm đẹp bên gia đình cùng những miền ký ức.

Năm 2017 tôi may mắn được ăn Tết với gia đình nhân dịp tôi về Việt Nam thu thập dữ liệu phỏng vấn cho nghiên cứu của mình. Đó là cái Tết gần nhất bên gia đình mà tôi có được. Kể từ năm 2018 đến nay tôi không có cơ hội về ăn Tết bên gia đình nữa. Thay vào đó tôi thường cảm nhận không khí Tết cùng bạn bè của mình qua các hoạt động đón Tết của các bạn sinh viên. Các du học sinh tại Anh thường thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại các trường Đại học để sinh hoạt và kết nối với nhau. Năm 2018 và 2019 tôi có tham gia vào hoạt động đón Tết của Hội sinh viên trường tôi theo học. Ở đây các bạn cũng nấu bánh chưng, các món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam và trang trí cây mai, cây đào. Điều đặc biệt là dù không có gia đình bên cạnh nhưng chúng tôi lại có những người bạn sinh viên quốc tế, họ đến cùng chung vui và học hỏi thêm về văn hóa đón Tết của người Việt. Năm 2020 tôi hình như không có khái niệm đón Tết vì khoảng thời gian đó trùng với thời gian tôi phải nộp luận án nên Tết trong tôi là những ngày chạy đua với thời gian để kịp nộp bài. Năm nay mặc dù tôi không còn tất bật bài vở như những năm trước nhưng vì dịch Covid-19 và đang thời gian lockdown nên tôi cũng không thật sự cảm nhận được không khí Tết.

tết_xa_quê_thuynhoitran

Những ngày gần đây tôi thường ngồi một mình, suy nghĩ về những gì mình làm được và chưa làm được trong năm qua. Những ngày cuối năm cũng thường làm cho con người ta nhớ nhiều hơn hương vị Tết quê nhà. Thật lòng mà nói, tôi không phải là người thích Tết hay quá háo hức để đón Tết. Nhưng bằng một cách nào đó, mỗi lần Tết đến nó luôn mang lại trong tôi một miền ký ức rất khó quên mà ở đó tôi được đắm chìm với những kỷ niệm vui vẻ nhất và bình yên nhất. Nơi đó tôi có gia đình.

Gia đình tôi thường có truyền thống họp mặt vào ngày mùng 2 Tết hàng năm thay vì mùng 1 như nhiều gia đình khác. Vì vậy đêm giao thừa thường chỉ có ba và mẹ thức đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới trong khi bọn con nít thì đã đi ngủ say. Mùng 2 Tết thì lại khác, đó là dịp tất cả anh chị em, con cháu tề tựu về thăm chúc ông bà rồi ăn uống, đàn ca cùng nhau. Đó là khoảng thời gian vui vẻ mà tôi tin rằng ba mẹ tôi thường chờ đợi nhất trong một năm. Gia đình tôi không có truyền thống nấu bánh tét như những nhà khác hay như truyền thống nấu bánh chưng như những người miền Bắc. Vì vậy trong ký ức của tôi không có những kỷ niệm được ngồi học gói bánh hay ngồi quây quần nồi bánh như những người Việt khác. Nhưng tôi có một miền ký ức rất riêng, rất khác, đó là ký ức được ăn những món mẹ nấu, được bà lì xì và được nghe ba tôi hát vọng cổ những khi Tết về.

Ký ức được ăn món mẹ nấu

Mẹ tôi là một thợ nấu lâu năm nên những dịp Tết về mẹ thường nấu rất nhiều món ngon cho con cháu. Mẹ thường rất trông chờ và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Cái hạnh phúc của mẹ rất đơn giản là bà được nấu những món ăn ngon cho những đứa con, đứa cháu của mình và được gặp lại họ sau một năm dài. Dù các anh chị em cũng không phải ở quá xa ba mẹ tôi nhưng thường ai cũng có việc riêng và có gia đình riêng của mình nên cũng không thường về thăm ông bà được, trừ những người ở gần. Mẹ là người phụ nữ truyền thống nên mẹ dường như quán xuyến hết mọi chuyện trong nhà trong những ngày Tết. Mẹ thường đi chợ tự tay chọn mua những trái dưa hấu ngon nhất để cúng ông bà, lựa những cành cải ngon nhất về làm dưa cải hay củ kiệu. Nói về các món ăn của mẹ nấu, tôi thích nhất vẫn là gà hấp rượu, thịt kho rệu hột vịt nước dừa và món dưa cải. Đây là những món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Tây, hình như nhà nào cũng có trong những ngày Tết. Nhưng với tôi hương vị các món mà mẹ nấu nó rất khác biệt, không nơi nào có được. Tôi nghĩ mẹ nên tự hào nhất là món thịt kho rệu của mình vì màu nước thịt rất đẹp và vừa mắt, không quá đậm hay quá nhạt, nước thịt lại rất thanh dịu. Đây là món khó nấu nhất mà cho dù chị của tôi dù cũng có tay nghề nấu ăn khá lâu cũng khó mà nấu ra được cái hương vị như mẹ nấu.

Trong ký ức của tôi dù không có những kỷ niệm quay quần bên nồi bánh tét nhưng tôi nhớ như in những ký ức về những đêm giao thừa mẹ thường ngồi canh nồi thịt kho rệu và làm dưa cải. Tôi nhớ lúc còn bé, tôi có thức vài lần cùng với mẹ để canh nồi thịt và những lúc như thế hai mẹ con còn bị muỗi chít. Mẹ thường kho nồi thịt rất to bằng bếp củi thay vì bếp điện và có cách ướp thịt rất cầu kỳ. Tôi gọi đó là cả một nghệ thuật nấu ăn. Sau đó mẹ sẽ canh đến bao lâu sẽ đổ nước dừa vào, bao lâu sẽ cho hột vịt đã luộc vào và đun lửa phải đun liu riu để thịt được thấm đều và nước thịt ngon nhất có thể. Vì vậy phải có người ngồi canh nồi thịt thì mới ra được thành phẩm như vậy.

Mẹ tôi là một người rất kỹ tính, đặc biệt là với việc nấu ăn. Nếu mẹ nấu món nào mà thành phẩm không như mẹ mong đợi, mẹ thường rất buồn và cứ luôn nói về nó. Mẹ tôi có tình yêu nấu ăn từ khi mới 11 tuổi. Tôi nghe mẹ kể thời đó chiến tranh ác liệt lắm nên bà ngoại phải đi buôn gánh bán bưng nên không thường ở nhà. Thế là mẹ tự nấu ăn cho các em từ đó. Đó là một miền ký ức khác của mẹ mà mỗi lần tôi nhớ lại tôi luôn cảm thấy rất tự hào về bà. Tôi nghĩ không những tôi mà các anh chị em, rồi các cháu của tôi cũng mong những ngày Tết đến được về thăm mẹ và được thưởng thức những món mẹ tôi nấu. Nếu phải khen ngợi theo kiểu của người miền Tây, tôi sẽ gọi đó là “ngon nhức nách”. Tôi luôn có cảm giác mẹ luôn có một gia vị đặc biệt mà không ai khác có được, đó là tình yêu. Mẹ luôn bỏ “tình yêu” vào các món ăn của mình, vì vậy các món mẹ nấu nó ngon đến lạ lùng.

Ký ức được bà lì xì

Như những đứa trẻ khác, lì xì đầu năm luôn là khoảnh khắc được mong chờ nhất của tôi khi tôi còn bé. Nhưng trong ký ức của mình, tôi nhớ nhất vẫn là những lúc Tết về tôi được bà nội lì xì. Bà tôi là một người rất cẩn thận, dù có rất nhiều đứa cháu nhưng bà nhớ rõ từng đứa một. Mỗi dịp Tết về bà thường dành nhiều tiền hơn để lì xì cho các anh chị em tôi vì nhà tôi đông người nhất. Bà thường gọi tên từng đứa một lên đứng xếp hàng để bà lì xì rồi bà thường dặn dò các cháu bằng những câu nho. Bà nội là người rất giỏi về nho và thơ ca nên những gì bà dạy cũng dễ đi vào lòng tôi nhờ những câu nho ấy. Cái mà tôi nhớ nhất về bà có lẽ là mỗi lúc bà lì xì cho tôi bà thường nói về việc tôi bú vú da của bà. Câu chuyện xảy ra khi tôi mới vừa sinh. Lúc đó mẹ tôi phải nhập viện để thực hiện một ca phẩu thuật gấp nên tôi không được bú sữa mẹ từ nhỏ. Lúc đó bà nội là người chăm sóc tôi. Vì tôi quá đói nên cứ khóc thét lên. Thế là bà cho tôi bú vú da của bà. Bà nội hay bảo rằng tôi là một đứa rất láo bú và hay ngậm rát cả nấm vú của bà. Những lúc như thế bà nội thường vạch áo ra cho chúng tôi xem và nói:

– Này tụi bây coi nấm vú tao đẹp như thế này mà hồi đó nó ngậm rát hết cả vú của tao vậy đó.

Thế là các anh chị em được một trận cười. Tôi thì xấu hổ muốn độn thổ. Mà năm nào cũng thế, mỗi lúc được nội gọi tên lên lì xì là nội hay kể chuyện xưa của tôi. Vì vậy ký ức về bà nội mỗi khi Tết đến thường gắn liền với những kỷ niệm vui vẻ như thế.

tết_xa_quê_thuynhoitran

Thèm được nghe ba hát câu vọng cổ

Nhà tôi có truyền thống hát đàn ca tài tử từ thời của ba tôi. Tôi nghe ba mẹ kể, ngày xưa bà nội mê cải lương lắm nên bà đặt tên cho mấy anh chị em tôi toàn là tên của mấy kép, đào nổi tiếng ngày xưa. Tên của tôi cũng do bà nội đặt. Ba tôi là người hát vọng cổ rất mùi tai. Nói cho vui một chút thì nhờ cái tài này mà nhiều cô hàng xóm mê ba lắm. Nhà tôi có truyền thống đàn ca tài tử vào ngày mùng hai Tết khi tất cả các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau. Chúng tôi ít nhiều đều có thừa hưởng gen di truyền từ ba và mẹ. Dù mẹ tôi không biết hát cải lương nhưng ngày xưa mẹ tham gia đoàn văn công cũng ca hát múa phục vụ bộ đội. Sau khi lấy ba tôi, ba đã chỉ cho mẹ hát cải lương. Thế là ba mẹ trở thành cặp kép đào rất ăn ý từ đó.  

Ba tôi được giọng hát trời phú giống nghệ sĩ Tấn Tài. Mỗi lần nghe ba hát tôi như thấm từng câu, từng chữ, nghe như đứt ruột đứt gan, nó rất mùi mẩn và sâu lắng không thể diễn tả hết được. Ba tôi thuộc rất nhiều bài hát trong mấy vở cải lương xưa nhưng tôi thích nhất là bài Bên Rặng Ô Môi mà nghệ sĩ Tấn Tài hay hát. Ba tôi cũng mê bài đó lắm. Những người bạn của ba cũng hay yêu cầu ba hát bài này. Ngày xưa vì mê giọng hát Tấn Tài nên ba tôi mua một băng cassette gốc về nghe và ghi xuống hết lời những bài hát vọng cổ. Thế là ba học thuộc và thường hát cho chúng tôi nghe vào buổi tối, như một cách để ru chúng tôi ngủ. Tôi nhớ có nhiều lần tôi nằm nghe ba hát mà chảy nước mắt hồi nào không hay.  

Ngoài giọng ca mùi mẩn ra, ba tôi còn biết đàn ghi ta cổ. Dù không chuyên nghiệp về tiếng đàn, nhưng ba cũng kịp truyền nghề cho anh của tôi. Anh tôi mê đàn từ khi mới học cấp hai. Thế là sau một đêm được ba dạy, anh ấy đã tự mài mò và sáng tạo thêm nhiều bài khác. Tiếng đàn của anh cũng mùi mẩn và điêu luyện không thua gì giọng hát của ba. Tôi gọi đó là năng khiếu di truyền. Tiếc là tôi không may mắn có được năng khiếu ấy. Mỗi lần nhà tôi có dịp tụ họp đàn ca tài tử, anh tôi thường là người cầm đàn chính. Ngoài ra còn có một người anh khác đảm trách phần đàn nhạc piano. Nhà tôi thì từ nhỏ đến lớn hầu như ai cũng đều hát được vọng cổ và nhạc trẻ nên mỗi khi có đám tiệc, nhà tôi thường có sẵn dàn nhạc và dàn “nghệ sĩ” phục vụ. Không phải đi thuê ai. Đó là một truyền thống rất đẹp của gia đình mà đã được duy trì từ thời của ba.

Những ngày cuối năm xa quê, tôi thường ngồi một mình trong căn phòng nhỏ mở bài hát Bên Rặng Ô Môi nghe tới nghe lui cả ngày để thỏa nỗi nhớ nhà. Bài vọng cổ gợi cho tôi về một miền ký ức rất xa xôi ở đó có ba, mẹ và gia đình. Tôi lại thèm những món ăn mẹ nấu. Tôi thèm nhất là món thịt kho rệu ăn với chuối sống bên tô canh khoai mỡ nóng hổi. Tôi thèm nghe tiếng bà nội gọi tên lên lì xì và kể về chuyện ngày xưa tôi bú vú da của bà ra sao rồi nhìn bà cười hạnh phúc. Tôi thèm được nghe ba hát bài Bên Rặng Ô Môi như ngày xưa. Đêm giao thừa năm nay lại một lần nữa tôi đang ở nơi đất khách và nghe lại câu vọng cổ ngày xưa, tự nhiên thấy khóe mắt cay cay. Tết của những người con xa quê luôn đong đầy những cảm xúc khó tả như thế, một chút da diết nhớ, một chút chạnh lòng và một chút hoài cổ. Tự nhiên bất chợt lại nhớ hai câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân:

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

Thuynhoi Tran

Tết Tân Sửu, 11.02.2021

(Bạn cũng có thể nghe bài viết này ở phiên bản podcast trên trang Thuynhoi Tran’s Blog hoặc nghe tại đây)

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.