Ta Hay Tây?

Mẹ tôi là người thích con gái để tóc dài. Bà thường nói với tôi rằng bà thích tôi để nguyên mái tóc dài tự nhiên như thế mà không cần phải nhuộm, duỗi, uốn hay làm kiểu gì khác. Mẹ là người thích nét đẹp thuần Việt. Trong một lần tôi được dịp nhìn thấy tấm hình lúc mẹ chụp năm 17 tuổi, lúc đó mẹ tôi trông thật xinh đẹp và dịu dàng với mái tóc dài tự nhiên và đen huyền. Nhiều lúc tôi tự cảm nhận rằng tôi có nhiều tính cách được thừa hưởng từ mẹ, như việc yêu mái tóc tự nhiên của người con gái Việt chẳng hạn. Mái tóc của tôi về cơ bản thì cũng là mái tóc tự nhiên, tôi chưa nhuộm nó lần nào. Lúc còn ở Việt Nam tôi có duỗi và uốn lượn sóng vài lần nhưng về cơ bản tôi vẫn để nó tự nhiên nhất có thể.

Chuyến về Việt Nam gần đây tôi có đến một tiệm cắt tóc để làm mới mái tóc của mình trước khi quay lại UK. Tính ra thì trong ngần ấy năm sinh sống ở UK, tôi chưa lần nào đến tiệm làm tóc. Một phần vì tôi tiết kiệm tiền nên tự cắt tại nhà là chính, một phần vì tôi thích mái tóc đen dài tự nhiên và có phần hoang dã của mình nên không có nhu cầu làm kiểu gì nhiều. Lần này tôi cũng chỉ cắt ngắn hơn một chút để gọn nhẹ và thuận tiện hơn trong cuộc sống hàng ngày. Thật ra với mái tóc dài, đôi khi tôi cũng mất khá nhiều thời gian để chăm sóc.

Anh thợ cắt tóc hôm đó là một người khá thân thiện với khách hàng. Sau khi quan sát ngoại hình của tôi một lát, anh cũng bắt đầu hỏi chuyện về cuộc sống bên trời Tây.

– Em nói em đi du học mà nhìn em không giống du học sinh lắm nhỉ vì em bình dị quá.

– Thật ra anh không phải là người đầu tiên nói câu này. Em đã rất quen với điều này rồi – Tôi vừa cười vừa nói.

– Anh thấy đa phần mọi người khi đi nước ngoài họ đều ăn mặc rất sành điệu, mang đồ hiệu, giầy dép, tóc tai cũng kiểu này kiểu nọ rất giống Tây.

– Nhưng em là người Việt cơ mà anh. Em không cần phải giống Tây. Em không cần phải giống ai cả. Mình là mình thôi!

– Anh thấy thường những người học cao như em đa phần họ thường chọn ăn mặc rất giản dị, không khoa trương hay khoe khoang nhiều.

– Em nghĩ phần nhiều điều đó phụ thuộc vào tính cách của mỗi người, không nhất thiết phải học cao hiểu rộng hay đi đây đi đó nhiều nơi mới có những suy nghĩ như vậy. Em cũng không hẳn là lúc nào cũng ăn mặc giản dị đâu vì em là người yêu thời trang và cái đẹp. Em chỉ là giản dị đúng chỗ thôi. Khi nào cần trang trọng thì em vẫn ăn mặc thanh lịch để hợp với hoàn cảnh.

– Em sống bên Anh chắc kiếm được nhiều tiền lắm hả?

– Cũng đủ sống thôi anh ạ. Nhưng mà nếu em có được nghề cắt tóc như anh, có lẽ em đã kiếm được nhiều tiền hơn. – Tôi vừa nói vừa đùa.

Cuộc nói chuyện cứ tiếp diễn với những câu hỏi của anh thợ cắt tóc mà trong đó trên 90% câu hỏi tôi có thể đoán trước được vì nó cũng giống như phần lớn các câu hỏi mà những người khác thường hay hỏi tôi như là thu nhập bao nhiêu? Đồ hiệu bên đó rẻ hơn bên Việt Nam không? Rằng tôi sẽ định cư ở Anh luôn hay sẽ về Việt Nam? Khi nào thì lấy chồng? Sao đi nước ngoài lâu thế mà vẫn còn phèn quá, không trắng ra hay mập ra được chút nào, bla,bla… Nhiều lúc tôi phải thốt lên tại sao tôi phải giống Tây? Tôi là người Việt cơ mà. Và liệu từ bao giờ việc dạy người khác cách sống cuộc đời của riêng họ là điều có thể xem như bình thường và chấp nhận được trong cái xã hội này vậy??? Nếu không nói điều này rất lố bịch và buồn cười

Theo quan sát của tôi, với đa phần du học sinh khi sang sinh sống và học tập ở môi trường mới các bạn có khuynh hướng thay đổi bản thân, nếu không nói là rất nhiều, để thích nghi. Tôi không nói sự thay đổi đó tích cực hay tiêu cực nhưng phần lớn là sự thay đổi về tư duy và ngoại hình. Đa phần những bạn mới sang thường có khuynh hướng thay đổi ngoại hình nhiều hơn để trở nên giống Tây hơn như việc nhuộm tóc hay xăm hình thậm chí là hút cần sa. Trong số đó các bạn nữ cũng chiếm một tỉ lệ không thấp.

Việc thay đổi về tư duy khi sống ở một nền văn hóa, một môi trường mới là điều tất yếu khó tránh khỏi. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là người ta thay đổi ngoại hình vì điều gì? Công bằng mà nói, việc lựa chọn thay đổi ngoại hình không có gì sai. Chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn làm những điều trên cơ thể mình. Nếu việc thay đổi ngoại hình có thể làm một người trở nên xinh đẹp hơn, tự tin hơn, có nhiều trải nghiệm hơn hay thoải mái hơn trong việc thể hiện bản thân mình ra với thế giới thì tại sao không? Tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ trong những trường hợp như vậy. Nhưng liệu người ta có nhất thiết phải thay đổi bản thân để trở nên giống Tây hơn không???

Tôi nhớ khi tôi mới bắt đầu chương trình học Thạc sĩ Luật tại Anh, rất nhiều những người bạn đã nói với tôi rằng họ rất thích làn da vàng của tôi vì trông nó rất khỏe khoắn. Ban đầu điều này làm tôi khá ngạc nhiên vì thật ra đa phần người Việt rất yêu chuộng màu da trắng, ngoại trừ tôi. Đó cũng là lý do mà tôi đã bị kỳ thị trong suốt một khoảng thời gian dài khi tôi còn nhỏ. Nếu như trước đây tôi từng tự ti về làn da ngâm đen của mình thì bây giờ những gì mà các bạn ấy nói lại khiến tôi tự hào hơn về nét đặc trưng của mình. Tôi học được một điều là trong số những làn da trắng ngần của các bạn người Anh, cái làn da trắng mà nhiều người Việt luôn ao ước, tôi lại trở nên thật nổi bật và không lẫn vào đâu được với làn da ngâm của mình. Điều này làm tôi rất tự hào vì tôi khác biệt, vì tôi không giống họ, vì tôi độc nhất, vì tôi đến từ một quốc gia nhiệt đới, nơi mà đa phần những người nông dân như gia đình tôi đều có làn da rám nắng như thế. Thật ra từ trước đến nay tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ làm điều gì đó để thay đổi màu da của mình vì tôi luôn tự hào về làn da vàng châu Á này. Tại sao chúng ta lại phải thay đổi màu da để được giống Tây trong khi màu da là một trong những yếu tố để nhận diện bạn là ai?

Một lần khác tôi đi làm thêm ở một nhà hàng Tây mà trong số các nhân viên ở đó, tôi là người nước ngoài duy nhất. Tôi nhớ cô bạn Sarah, người quản lý của nhóm đã từng hỏi tôi rằng tôi đã làm gì với mái tóc của mình mà trong nó suôn mềm và bóng mượt vậy. Cô ấy hỏi tôi sáng nay tôi có duỗi tóc không? Tôi bảo không. Đây là mái tóc tự nhiên của tôi. Tôi chỉ dùng dầu gội là thỉnh thoảng xịt chống nhiệt cho tóc khi đi ra nắng. Cô ấy ước gì mái tóc của cô cũng khỏe mạnh và suôn mượt như vậy. Cô ấy bảo tôi: Bạn biết không Water, tôi luôn rất thất vọng với mái tóc của mình, vì vậy tôi luôn làm hết kiểu này rồi đến kiểu khác để trông chúng thú vị hơn. Thật ra tôi cũng rất thích các kiểu tóc Sarah làm. Người Anh họ rất giỏi về mảng trang điểm và làm tóc vì những kỹ năng này họ được dạy từ nhỏ nên họ rất sành điệu trong việc ăn mặc và tóc tai. Một cô bạn khác trong nhà hàng cũng làm tôi ấn tượng không kém đó là Georgie. Cô ấy là người thường xuyên thay đổi màu tóc của mình. Cứ mỗi hai đến ba tuần là tôi cứ bị ngạc nhiên và những màu tóc mới của cô ấy. Nếu không phải là xanh da trời thì cũng là hồng đậm hay xanh lá, có khi nữa này nữa kia trông rất lạ mắt. Mặc dù thế tôi chưa từng có ý định sẽ thay đổi màu tóc của mình để trở nên giống họ. Tôi luôn yêu màu tóc đen huyền của người con gái Việt. Nó là thứ đẹp dịu dàng nhất trong mắt tôi. Tôi cũng thích cái nét hoang dã của những mái tóc tự nhiên. Bằng một cách nào đó trông chúng cuốn hút và quyến rũ đến lạ kỳ.

Ngoài những câu chuyện về mái tóc, trang phục cũng là một chủ đề tôi muốn nói đến. Trong muôn vàn những kiểu váy áo sexy mà các bạn nữ phương Tây thường chọn mặc, tôi vẫn luôn yêu chiếc áo dài Việt Nam. Tôi yêu chiếc áo dài trắng nhiều đến mức không thể tả hết thành lời. Thời cấp ba, nhà tôi còn nghèo lắm nên dù có ao ước có thêm một chiếc áo dài trắng để đi học cũng là cả một ước mơ xa vời. Lúc đó tôi thường phải mặc lại những chiếc áo dài cũ của những chị đi trước. Với tôi, đó cũng là một niềm hạnh phúc rồi. Thời cấp ba tôi chỉ được may một bộ áo dài mới duy nhất mỗi năm học. Vì vậy trong tôi lúc nào cũng đau đáu về những ngày xa xưa, những ngày mà tôi đã rất khát khao được mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi và được hít hà mùi vải mới. Vì vậy khi đi du học, tôi đã mang theo bên mình rất nhiều chiếc áo dài, nhất là bộ áo dài trắng. Tôi chụp ảnh với áo dài ở rất nhiều nơi mà tôi đã đi qua. Tôi mang Áo Dài đi khắp nơi như một cách để giao lưu và giới thiệu văn hóa truyền thống của người Việt.

Hay để tôi nói một chút về âm nhạc. Các thể loại âm nhạc thịnh hành nhất như là nhạc US, UK thường có khuynh hướng thu hút phần đông giới trẻ, nhất là du học sinh tại Anh, vì nó sôi động và tươi vui. Trong muôn vàn những loại nhạc sập sình được chơi ở các nhà hàng, quán bar hay các club, tôi lại chọn cho mình một loại âm nhạc rất dân tộc, đó là tiếng đàn bầu. Là một trong những gia đình sống ở miền Tây Nam Bộ, tôi lớn lên trong cái nôi của cải lương và những bài vọng cổ. Gia đình tôi có truyền thống đàn ca tài tử từ thế hệ của ba tôi. Vì vậy tiếng đàn ghita cổ, tiếng đàn kìm, tiếng đàn bầu như thấm vào máu kể từ lúc tôi còn rất nhỏ.

Người ta thường tin rằng nếu con gái mà nghe tiếng đàn bầu thì cuộc đời sẽ khổ. Tôi không quan tâm lắm về lời nguyền này mà vẫn yêu tha thiết tiếng đàn của dân tộc mình. Mặc dù tôi chưa đủ duyên để có thể gãy được đàn bầu, tôi vẫn mang theo bên mình cây đàn đến tận sang Anh để rồi mỗi khi nhớ nhà, tôi lại mang nó ra gãy lên những âm thanh nghe rất đỗi thân quen của quê hương mình. Tôi cũng rất ngưỡng mộ những người nghệ sĩ chơi đàn bầu. Nhiều khi mệt mỏi quá vì công việc, tối về tôi lại ngồi lắng nghe tiếng đàn của nghệ sĩ Phạm Đức Thành, ngân nga vài câu vọng cổ cải lương, hát điệu nam ai, văn thiên tường hay điệu phụng hoàng để có thể cảm nhận hết cái nao lòng, cái da diết và cái đẹp trong từng tiếng đàn được nâng niu bởi bàn tay của những người nghệ sĩ tài ba. Tôi yêu sao câu ca ấy, tiếng đàn bầu nghe buồn rười rượi ấy, những thứ âm thanh rất đỗi quen thuộc đã nhiều đêm ru lòng tôi đi qua những thăng trầm trong cuộc đời.

Nhưng có một điều tôi tạm gọi là một sự bắt chước không khôn ngoan đó là những thói quen xấu của người Tây. Tôi thấy không ít những bạn sinh viên quốc tế, không chỉ là sinh viên Việt Nam, thường hay bắt đầu thói quen hút thuốc sau khi sang Anh. Có lẽ thời tiết lạnh và cuộc sống du học sinh xa nhà dễ bị căng thẳng hay cô đơn là lý do giải thích cho điều này. Nhưng cái tệ hại hơn mà tôi muốn nói là một số bạn bắt đầu hút cần sa để thể hiện mình giống Tây. Tôi không cổ súy cho những sự bắt chước tai hại này vì bạn thấy đấy bạn sẽ không bao giờ được đánh giá cao vì những thói quen xấu.  

Tuy nhiên ở mỗi nền văn hóa đều đó bản sắc của riêng nó đáng để học hỏi vì tiếp thu như văn hóa đúng giờ, văn hóa xếp hàng, tác phong công nghiệp trong công việc, tư duy thoáng, mở, tôn trọng tự do cá nhân ở phương Tây. Hay đặc trưng nhất là ở phương Tây họ rất yêu chuộng và tôn trọng phụ nữ và trẻ em. Tôi nhớ mãi hình ảnh của Justin, ông chủ của cái nhà hàng mà tôi đã đề cập ở trên. Một lần vợ ông ấy và con trai mới hơn 1 tuổi đến chơi, cô vợ đến quầy bar lấy một ly bia tươi để uống và trò chuyện cùng nhân viên trong khi Justin lại hớt ha hớt hải ôm đứa bé, cho con bú sữa rồi cho con ăn trưa. Điều này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của những cặp vợ chồng Việt. Tôi học được rất nhiều từ ông ấy về việc chủ động chia sẽ với người phụ nữ của mình việc chăm con và làm việc nhà. Ông ấy cũng kiêm luôn việc nấu nướng cho gia đình vì ông là một đầu bếp rất giỏi.

Chúng ta có thể có những cách khác nhau để tiếp cận với một nền văn hóa mới, một môi trường sống mới. Ở quốc nào cũng có cái được và cái chưa được. Việc một số người có tư tưởng sính ngoại và chuộng Tây thái quá là điều rất lố bịch. Việc học hỏi, tiếp thu một nền văn hóa mới nên có sự chọn lọc để không mất cái nét đặc trưng, độc nhất của dân tộc mình. Tôi không có gì ngoài việc tự hào là người da vàng, là người con gái thuần Việt với một tư duy rất văn minh của sự kết hợp hài hòa giữa nét bản sắc phương Đông và phương Tây. Hòa nhập chứ không hòa tan luôn là kim chỉ nam của tôi. Thay đổi để thích nghi, để hoàn thiện bản thân chứ không thay đổi chỉ để được ngưỡng mộ, để được giống một ai đó. Có lẽ bi kịch lớn nhất của một người là việc không làm cho người khác nhận diện được mình là ai. Chúng ta không sinh ra để được ngưỡng mộ hay để làm một phiên bản của một ai khác. Chúng ta sinh ra để sống một cuộc đời của riêng mình, một cuộc đời độc nhất. Khi ta ý thức được đầy đủ các giá trị của TA, đó cũng là lúc sức mạnh của TÂY phải nhường ngôi. Suy cho cùng TA hay TÂY quan trọng hơn tùy thuộc vào cách bạn định nghĩa chính mình.

(P/S: Tặng các bạn bài hát Giọt Mưa Thu mà mình rất yêu thích qua tiếng đàn bầu của Nghệ sĩ Phạm Đức Thành)

Thuynhoi Tran

22.6.2022

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.