Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 2)

Đừng vội than vãn sao cuộc sống của mình bất hạnh quá cho đến khi bạn nhận ra rằng mọi việc xảy ra điều có lý do của nó.

Thuynhoi Tran

2. CHUYẾN BAY ĐÁNG NHỚ, MỘT CUỘC GỌI LẠ VÀ CÂU CHUYỆN ĐỔI ĐỀ TÀI

Ngày 31.12.2015

Đó là một chuyến bay đáng nhớ trong rất nhiều chuyến bay của tôi. Việc rời Việt Nam vào đúng lúc đêm giao thừa, ở cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới như thế thật ra tôi không muốn chút nào. Thường ở những lúc như thế, người ta thường mong được sum vầy bên gia đình mình, tôi thì lại khởi hành vào cái đêm đó. Thật ra dù nhận được học bổng Vice-Chancellor’s Scholarship của Trường Đại học Huddersfield nhưng nó cũng chỉ chi trả 100% cho phần học phí của tôi, còn phần sinh hoạt phí và các chi phí đi lại khác tôi phải tự chủ động. Vì vậy, tôi đã đặt vé máy bay để bay vào đêm giao thừa vì giá vé rẻ hơn so với những ngày khác.

Khoảng hai tiếng trước khi máy bay cất cánh tôi nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Đó là cuộc gọi của L, cô ấy vừa mới qua cửa khẩu vào Việt Nam an toàn vào đúng ngày hôm đó và cô ấy đã gọi ngay cho tôi. L là cô gái vừa được giải cứu thành công sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc cho một gia đình mà cô ấy đã bị ép sinh con cho họ. Thật sự lúc đó tôi đã mừng đến rơi nước mắt tại sân bay vì cuối cùng cô ấy cũng đã được giải cứu an toàn. Vài ngày trước đó, tôi đã biết được thông tin là em ấy sẽ sớm được đưa về Việt Nam nhưng tôi quả thật đã vỡ òa khi nhận được cuộc gọi trực tiếp của em. L gọi cho tôi để thông báo rằng cô ấy vừa về đến Việt Nam và sẽ sớm đoàn tụ với gia đình mình và muốn sắp xếp một cuộc gặp với tôi để cảm ơn. Nhưng tiếc thay lúc đấy tôi đã chuẩn bị cất cánh cho một hành trình dài hơi khác và hai chị em chỉ được vỏn vẹn vài giây phút để nói chuyện. Một người đi, một người về nhưng chúng tôi đều vui mừng không tả xiết ở cái thời khắc giao thoa đáng nhớ nhất của đêm hôm đó dẫu chưa bao giờ được gặp nhau trực tiếp ngoài đời thật.

Tôi muốn kể một chút về câu chuyện của L vì chính những gì đã xảy ra với cô ấy đã làm tôi quyết định đổi đề tài nghiên cứu của mình. Một ngày, khi tôi đang làm việc ở cơ quan thì có một người đàn ông bước vào phòng. Ông ấy có vẻ rất lo lắng và giọng nói run run. Ông ấy tìm đến chúng tôi để cầu cứu cho con gái của ông, là L, vì cô ấy đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Khi đó tôi đang là chuyên viên của Phòng Ngoại vụ của tỉnh Hậu Giang, đây là cơ quan có thể liên hệ trực tiếp với các cơ quan Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để bảo hộ cho công dân ở địa phương mình.

Ông ấy trình bày rằng ông có một người con gái lớn đang lấy chồng ở Trung Quốc. Đã một khoảng thời gian rất lâu ông và vợ ông không sang thăm con gái vì kinh phí gia đình eo hẹp nên ông cũng lo lắng cho con, không biết cuộc sống của con bên đó ra sao. Một ngày nọ có một người phụ nữ nói với ông rằng bà ấy có thể giúp đỡ làm giấy tờ để gia đình ông sang thăm con. Ông tin người phụ nữ đó và cuối cùng ông quyết định cử đứa con gái khác của mình để đại diện gia đình mà sang thăm chị gái. Cô gái này là L. Sau khi người phụ nữ đưa L sang Trung Quốc một thời gian thì bà ấy cũng mất liên lạc và gia đình ông mới phát hiện ra đã bị lừa. L đã bị đưa đến một gia đình ở Trung Quốc và bị ép sinh con cho họ. Chị của L bằng nhiều cách khác nhau thì cuối cùng đã tìm được địa chỉ nhà nơi L bị giam bên trong nhưng họ không cho chị của cô ấy tiếp cận cô em. Dù đã trình báo cảnh sát địa phương nhưng họ không có động thái nào để cứu người. Đó là tất cả những thông tin mà ông ấy có thể cung cấp.

Khi đó, tôi được chị Trưởng phòng giao cho nhiệm vụ thu thập thông tin ban đầu từ người cha để liên hệ với phía công an tỉnh tìm hướng giải cứu L. Thật ra với những kinh nghiệm làm việc trong ngành luật trước đây, tôi hiểu rằng với những thông tin ít ỏi như thế thì khó mà có thể giúp được cho ông. Một trong những cái khó nữa đó là khi đó không ai trong số chúng tôi biết tiếng Trung vì vậy việc định vị con gái của ông sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy tôi đã yêu cầu ông ấy hãy thật sự bình tĩnh và ngồi xuống ghi lại càng cụ thể càng chi tiết càng tốt cho tôi về những gì đã xảy ra. Tôi cũng hỏi ông ấy liệu rằng ông có thể cung cấp cho tôi địa chỉ chính xác của L ở Trung Quốc không vì tôi cần soạn một công văn gửi Đại Sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc nhờ họ can thiệp nên tôi cần địa chỉ đó. Ông ấy cũng không biết nhưng ông ấy bảo rằng tôi có thể liên hệ với L qua Zalo để hỏi cô ấy.  

 

Nếu phải nói một điều gì đó về một sự kỳ diệu mà đã góp phần giải cứu được L, đó sẽ phải là Zalo. Tôi chưa bao giờ đánh giá cao vai trò của mạng xã hội cho đến khi tôi chứng kiến được việc vụ án này được giải quyết phần nhiều là nhờ Zalo. Sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, L được đưa đến nhà một gia đình có 4 người và bị ép quan hệ với một người đàn ông Trung Quốc mà họ bảo cô gọi là chồng. Cô đã từ chối nên bị họ đánh đập bằng dây điện rất tàn nhẫn. Sau đó cô ấy thậm chí còn bị ép quan hệ với chú của người đàn ông đó. Cuối cùng cô ấy cũng mang thai nhưng L thật sự cũng không biết đứa con là của ai. Khi L mang thai họ tạm ngưng việc đánh đập cô nhưng nhốt cô vào một căn phòng trống và không cho cô ấy ra ngoài. L đã van xin họ cho cô ấy được gặp chị của mình ở Trung Quốc nhưng họ đã không cho. Vì bị dồn ép và bị đối xử tệ nên L đã phát sinh các vấn đề về tâm thần khi mang thai. Vì sợ cô ấy nghĩ quẩn và ảnh hưởng đến thai nhi nên cuối cùng họ đưa cho cô ấy một cái điện thoại, nhưng không có sim card, để cô có thể nghe nhạc và giải trí. May mắn thay cái điện thoại đó dù không có sim nhưng có thể kết nối được với wifi và L đã liên hệ được với chị gái của mình qua Zalo.

Khi tôi kết nối được với L qua Zalo, cô ấy đã khóc rất nhiều khi gặp được tôi. Cô ấy không dám nói chuyện vì sợ bị họ phát hiện nên chỉ có thể gửi tin nhắn cho tôi. Tôi bị ám ảnh mãi bởi những bức ảnh mà L đã gửi cho tôi khi cô chụp lại gương mặt cô với những vết bầm tím vì bị đánh. Những vết thương, những giọt nước mắt của cô ấy thật sự ám ảnh tôi rất nhiều. Khoảng thời gian đó tôi thật sự bị mất ngủ rất nhiều đêm vì tôi cứ nghĩ mãi về cô ấy, về lời cầu xin của L để thoát khỏi cái địa ngục đó. Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về các vụ buôn người trên báo chí nhưng khi trực tiếp giải quyết một vụ việc, tôi mới thật sự hiểu hết những tổn thương và những nỗi đau của nạn nhân. Khi liên lạc được với tôi, L đã rất vui, cô ấy dường như lấy lại được một chút hy vọng. Nhưng theo sự quan sát của tôi, đôi lúc L có những cử chỉ không được bình thường. Cô ấy có lúc khóc rồi quay sang cười ngất ngây như một đứa trẻ. Tôi đoán chắc cô ấy đã phải chịu rất nhiều tổn thương về tâm lý và những sự sợ hãi. Điều đó càng hối thúc tôi quyết tâm hơn để giải cứu cô ấy càng sớm càng tốt.

Cuối cùng thì tôi cũng đã kết nối được với chị gái của L qua số Zalo mà L đã cho tôi và chị của cô ấy cũng đã gửi cho tôi địa chỉ bằng tiếng Trung nơi mà L bị giam, đó là một nơi thuộc tỉnh Phúc Kiến. Không cần phải nói, tôi đã soạn công văn gửi ngay cho công an tỉnh và Phòng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Nhưng xui xẻo thay khi tôi email cái công văn đó cho họ thì nó lại không gửi đi được vì địa chỉ email đó không còn dùng nữa. Tôi đã thử lại rất nhiều lần, lên mạng tra rất nhiều nguồn để tìm ra cái địa chỉ email của ĐSQ nhưng cuối cùng vẫn không gửi đi được. Lúc đó L lại thông báo cho tôi một tin xấu là gia đình đó có kế hoạch chuyển cô ấy đi một nơi khác để tránh sự quan sát của cảnh sát địa phương. Tôi thuyết phục L hãy làm cái gì đó để trì hoãn lại việc chuyển chỗ ở trong khi tôi đang cố gắng liên hệ với ĐSQ vì tôi biết rằng nếu mất dấu cô ấy thì việc điều tra và giải cứu sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần. Tất cả các thông tin trao đổi giữa tôi và L đa phần được thực hiện qua Zalo. Tôi trấn an cô ấy bằng cách thường xuyên nhắn tin với L và luôn cập nhật cho cô ấy biết về tình hình giải cứu cô. Tôi đã nghĩ đó là điều cần làm vào lúc đó.

Vì không gửi email được cho ĐSQ nên tôi đành gửi qua đường bưu điện. Biết rằng lá thư đó sẽ rất mất thời gian để đến nơi nên tôi đã tìm lục lại tất cả các số điện thoại của ĐSQ ở Trung Quốc. Ngày đầu tiên tôi gọi rất nhiều cuộc nhưng không ai trả lời. Thật ra lúc đó tôi cảm giác như ngồi trên đống lửa. Việc chạy đua với thời gian chưa bao giờ là một cảm giác dễ chịu. Nhất là những lúc như thế. Ngày hôm sau, tôi thử gọi lại vào một khung giờ khác. Cũng sau bao nhiêu cuộc gọi thì cuối cùng cũng đã có người bắt máy. Đó là anh Thịnh, công tác ở Phòng bảo hộ công dân. Không cần phải nói, tôi đã vỡ òa vì mừng. Anh Thịnh trong cảm nhận ban đầu của tôi là một người làm việc có tâm và có trách nhiệm. Thế là tôi giữ liên lạc với anh qua email và cập nhật tất cả các thông tin mà L đã cung cấp cho tôi. Cuối cùng sau chưa đầy một tháng thì L đã được giải cứu thành công nhờ sự can thiệp của ĐSQ và cảnh sát địa phương. Sau khi L trở về Việt Nam, tôi có nhận được một tin nhắn Zalo từ ba của cô. Chú ấy gửi lời cảm ơn tôi vì đã giúp đỡ con gái chú. Tôi cũng đã gửi một email để cảm ơn anh Thịnh và các anh chị em ở ĐSQ vì đã hỗ trợ tận tình để giải cứu thành công em L.

Quay lại với cuộc gọi của L vào cái đêm tôi bay, đó là lý do tại sao tôi lại vui đến phát khóc khi đó. Thật ra chuyến bay của tôi đêm đó không được suôn sẻ cho lắm. Tôi phải mất ba chặng bay để có thể sang được Anh. Trong chuyến bay thứ hai, một trong những hành khách trên chuyến bay bị bệnh trước khi máy bay cất cánh nên nó đã bị hoãn lại hai tiếng và thế là tôi bị nhỡ chuyến bay thứ ba. Tôi nhớ mãi cái khoảnh khắc ngồi chờ một mình ở sân bay cho chuyến bay thứ ba kế tiếp. Đó là một đêm giao thừa nên rất vắng vẻ, chỉ có một vài hành khách bị nhỡ chuyến bay ngồi vất vã ở sân bay như tôi. Tôi không hẳn là cảm thấy buồn vì phải rời Việt Nam một mình vào đêm giao thừa đó nhưng thật lòng mà nói cũng có chút gì đó chạnh lòng. Nhưng cuộc gọi của L đã làm cho tôi cảm thấy ấm lòng hơn rất nhiều. Có những điều nhỏ nhặt như thế nhưng đôi khi nó lại khích lệ tinh thần của người khác rất nhiều. Thế là cuối cùng tôi cũng bay sang được Anh an toàn vào đúng ngày đầu tiên của năm mới, ngày 01.01.2016, Xin chào Anh!!!

Ngày 10.01.2016 – Quyết định đổi đề tài nghiên cứu

Đây là ngày đầu tiên trong hành trình nghiên cứu của tôi. Hôm đấy tôi đến gặp Thầy hướng dẫn, Tiến sĩ Ndi, để trình bày về dự định đổi đề tài nghiên cứu của mình. Thật ra khi tôi nộp đề cương để xin học bổng Vice-Chancellor, tôi đã chọn một đề tài khác hoàn toàn. Đó là một đề tài thiên về mảng tư pháp quốc tế. Tôi luôn yêu thích môn tư pháp quốc tế vì được truyền cảm hứng cho môn này từ cái thời học đại học. Lúc đó tôi đã học cải thiện môn này với Thầy Diệp Dũng và thế là tôi yêu cái môn này luôn lúc nào không hay. Phần nhiều có lẽ vì tôi ngưỡng mộ người Thầy dạy mình vì kiến thức rất chuyên sâu của Thầy. Sau đó tôi chọn học Thạc sĩ tại trường Đại học Huddersfield cũng vì cái môn này và tôi đã nghĩ là sẽ làm một luận án Tiến sĩ về nó.

Câu chuyện của L là nguyên nhân chính làm tôi quyết định đổi đề tài nghiên cứu của mình. Thật ra trong 6 tháng đầu của năm nhất, trường cho phép các nghiên cứu sinh được quyền đổi đề tài nghiên cứu của mình. Tôi đã quyết định sẽ đổi đề tài để chuyển sang nghiên cứu các cuộc hôn nhân của các cô dâu Việt Nam tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đề tài của tôi mở rộng phạm vi hơn bao gồm việc nghiên cứu các cuộc hôn nhân giữa cô dâu Việt với đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, một vấn đề xã hội nhức nhối đang tồn tại ở Vùng ĐBSCL. Tôi đi theo hướng phân tích hiện tượng này, tìm ra nguyên nhân của nó và phân tích mổ xẻ chuyên sâu luật hôn nhân gia đình ở Việt Nam để đề xuất hướng sửa đổi luật sao cho các cô dâu Việt được bảo vệ nhiều hơn trong các cuộc hôn nhân xuyên biên giới, đặc biệt là các cuộc hôn nhân bị ép buộc và thông qua môi giới.

Có một điều thú vị mà tôi chiêm nghiệm được sau khi có thời gian nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua đó là mọi việc xảy ra đều có lý do của nó. Nếu năm 2013, sau khi tôi tốt nghiệp thạc sĩ xong và bắt đầu ngay với luận án của mình thì chưa chắc tôi đã có được một đề tài nghiên cứu hay và mang tính thực tế đến như thế. Việc tôi bị vụt mất cơ hội nhận học bổng lần đầu, sau đó về Việt Nam công tác và được trực tiếp giải quyết vụ việc của L đã làm tôi có được những ý tưởng sát sao với thực tế hơn cho đề tài luận án của mình. Tôi nghĩ đó là điều may mắn.

Có một lần một cậu con trai của người chị bạn tôi bị vụt mất cơ hội nhận học bổng đi du học ở Mĩ sau khi cậu ấy tốt nghiệp cấp ba. Cậu bé đã không thể vứt ra được nỗi buồn và sự thất vọng đó trong một khoảng thời gian dài. Thế là chị bạn tôi đã tìm đến tôi để nhờ tôi an ủi cậu ấy. Tôi đã mang câu chuyện này của mình để kể cho cậu nghe, về việc tôi đã bị tụt mất cơ hội học bổng ra sao vào lần đầu tiên và sau đó tôi đã cảm thấy may mắn thế nào vì nhờ vậy mà tôi đã có được một đề tài nghiên cứu rất hay và thực tế hơn.

Trong cuộc sống có nhiều lúc chúng ta hay than vãn về việc tại sao mình bất hạnh quá khi có một chuyện gì không may xảy đến. Nhưng thật ra nếu quan sát tinh tế hơn, bạn sẽ hiểu rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Chúng ta luôn được an bày cho những điều tốt đẹp hơn chỉ cần bạn đủ kiên nhẫn, đủ quyết tâm và sống đủ tốt, bạn sẽ nhận lại được những gì xứng đáng nhất.  

Thuynhoi Tran

31.7.2022

Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 4: Con Gấu Sô-Cô-La & Chậu Xương Rồng)

Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 3: Năm Nhất & Hai Biến Cố)

Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 1: Một Khởi Đầu Đầy Khó Khăn)

50 Pence Đắt Giá Nhất

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.