Thất Bại Có Đáng Sợ?

Thỉnh thoảng tôi vẫn thường nghe hai từ ngưỡng mộ mà một số người dành cho tôi khi họ nghĩ về những gì tôi đã đạt được cho đến thời điểm hiện tại. Thật ra những lúc như thế tôi chỉ biết cười trừ vì thật ra tôi biết mình không có gì đáng để được ngưỡng mộ cả. Thật lòng tôi không thấy có gì đáng để tự hào về bản thân, ngoại trừ một sự siêng năng không giới hạn và một cái đầu có não đúng nghĩa. Nếu phải chia sẽ một điều gì đó hay ho về bản thân, tôi không chắc tôi có gì để nói. Nhưng để nói một điều gì đó về mình, tôi nhất định sẽ nói về những lần thất bại trong cuộc đời. Đa phần những bài học quý giá mà tôi tích lũy được trong cuộc sống đến từ những lần thất bại nhiều hơn là sự thành công. Bài viết này tôi chia sẽ câu chuyện về lần thất bại đầu đời của mình và những bài học tôi rút ra được từ đó. Nó cũng trả lời cho câu hỏi liệu rằng thất bại có thật sự đáng sợ như ta thường nghĩ?

Tôi nhớ có lần một cậu học trò đã hỏi tôi:  

– Cô ơi ngày xưa cô học lớp chuyên Anh hay chuyên Văn vậy?

– Cô học lớp chuyên Hóa mặc dù cô là dân chuyên Toán.

– ??? Thế cô ơi, học Luật thì phức tạp hay đơn giản ạ?

– Nó phức tạp hơn chữ đơn giản nhưng lại đơn giản hơn chữ phức tạp con ạ.

– ???

Thằng nhỏ chỉ kịp hỏi hai câu như thế rồi không hỏi gì nữa vì nó cảm thấy bị hại não quá. Tôi cũng chỉ đùa với nó một chút cho vui. Thật ra, ngày xưa tôi là đứa cực kỳ đam mê môn Toán. Tôi yêu Toán một cách khó giải thích được. Dường như lúc nào dành được ít tiền ăn sáng là tôi cứ mang hết đi mua sách luyện Toán.

Có rất nhiều điều hay ho về Toán mà đã khiến tôi bị thu hút mạnh mẽ. Đầu tiên là khi giải một bài toán, người giải cần thời gian đủ nhiều để suy nghĩ về cách giải hợp lý nhất. Điều này rèn luyện cho tôi tính kiên nhẫn và sự tập trung cao độ khi cần thiết. Thứ hai, việc giải một bài toán thường yêu cầu cách lập luận chặt chẽ, logic, hợp lý và có tính thuyết phục cao nhất. Những người giỏi Toán thường là những người thông minh và có lập luận rất logic. Ngày xưa, đa phần những Thầy Cô thần tượng trong lòng tôi thường là những người dạy Toán. Ở họ luôn có sự sắc sảo của những cái đầu biết tư duy. Điều đó thường làm tôi dễ bị chinh phục và ngưỡng mộ. Toán đã làm tôi bị say mê vì những điều như thế.

Mãi đến sau này tôi phải công nhận một điều, việc say mê học Toán ngày xưa đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi tôi chọn đi theo con đường học Luật sau đó. Có một sự liên quan rất thú vị giữa Toán và Luật mà tôi đã nghiệm ra. Đó là cả hai đều yêu cầu tính chính xác cao nhất, lập luận hợp lý và logic nhất. Để trở thành một người giỏi Toán hay giỏi Luật bạn cần có một cái đầu biết phân tích vấn đề cũng như một sự kiên trì nhất định. Một điều thú vị khác nữa mà mỗi khi nhắc đến Toán hay Luật người ta thường quy kết rằng dân học Toán hay dân học Luật thường là những người rất khô khan, lạnh lùng hay thậm chí là nghiêm khắc. Tôi thì lại đang chứng minh điều ngược lại. Thật ra một người giỏi Toán hay Luật vẫn có thể là một người lãng mạn, sâu sắc và tinh tế. Nó tùy thuộc rất nhiều vào thế giới quan của từng người.

Sunflower

Nhưng cuộc sống luôn đặt ra những bài toán khó cho mỗi người và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Dù đam mê Toán đến thế, tôi vẫn không đủ điểm vào lớp chuyên Toán khi thi vào lớp 10. Thế là tôi bị đưa sang lớp chuyên Hóa và phải học ở lớp đấy suốt 3 năm cấp ba. Thật lòng mà nói, 3 năm học cấp 3 là khoảng thời gian đáng quên nhất trong sự nghiệp học hành của tôi vì tôi đã có những trải nghiệm không mấy vui vẻ ở giai đoạn đó. Cảm giác yêu môn Toán nhưng lại bị bắt học ở lớp chuyên Hóa thật sự rất tồi tệ. Giống như bạn yêu một người nhưng cuộc đời đẩy đưa, bắt bạn cứ phải kết hôn với một người khác dù bạn biết rõ là bạn không yêu họ. Cái cảm giác ấy như bị tra tấn và nó tồi tệ hơn chữ tồi tệ rất nhiều lần.

Vì quá đam mê môn Toán nên tôi đã chọn ngành Sư phạm Toán là nguyện vọng 1 khi làm hồ sơ thi vào đại học. Tôi còn nhớ khi đó tôi khi khối A gồm các môn Toán – Lý – Hóa. Tôi khá tự tin cho môn Toán và môn Lý nhưng môn Hóa luôn luôn là nỗi ám ảnh đối với tôi. Mặc dù sự thật là tôi đã được chui rèn suốt ba năm trời tại lớp chuyên Hóa. Cuối cùng tôi thi đại học môn Hóa được 2.5 điểm. Đó là một điều tôi đã luôn cảm thấy xấu hổ khi nói về.

Tôi nhớ khi đó có một người Thầy dạy chuyên Hóa cho lớp tôi đã nói với tôi về việc ông ấy đã cảm thấy thất vọng ra sao khi biết rằng tôi thi Hóa với số điểm thấp đến như thế. Thầy đã nói rằng: “Tôi thật sự không thể tin nổi tôi dạy em ba năm chuyên Hóa mà em thi chỉ được có 2.5 điểm”. Câu nói đó đã làm tôi cảm thấy có lỗi rất nhiều khi đó, tức nhiên bây giờ thì không. Nó cũng làm tôi nhớ đến câu nói tương tự của những bậc cha mẹ khi con cái họ không đạt được những điều mà họ kỳ vọng như là: “Ba mẹ không thể tin nổi ba mẹ nuôi con khôn lớn đến chừng này mà con lại làm ba mẹ mất mặt quá, ba mẹ thất vọng về con quá!”. Cái câu nói luôn là nổi ám ảnh nhất của những đứa con thất bại trong mắt phụ huynh. Câu nói có thể giết chết sự tự tin của một đứa trẻ khi mà sự thành công hay may mắn chưa kịp gõ cửa chào nó. Tất nhiên kết quả sau đó là tôi rớt đại học. Đó là một thất bại lớn đầu tiên trong đời mà tôi không thể quên.

Tôi còn nhớ mãi cái ngày thi hôm đó. Ngay khi tôi vừa bước chân ra khỏi phòng thi ở môn thi cuối cùng, tôi đã khóc như mưa vì tôi biết tôi sẽ rớt đại học ngay tại thời điểm đó. Lúc đó thay vì sẽ dạo chơi một vòng thành phố Cần Thơ để khuây khỏa sau thi như chị gái đã lên kế hoạch, tôi lại bắt chuyến xe đò về quê luôn ngay sau đó vì tôi không còn chút tâm trạng nào để vui chơi. Tôi thấy xấu hổ, tôi thấy mình vô dụng, tôi thấy mình thật thất bại. Những ngày sau đó mẹ tôi luôn theo dõi tôi sát sao vì bà sợ tôi làm điều dạy dột khi bà thấy tôi đã khóc rất nhiều. Những ngày về quê tôi cứ thu mình lại và dường như không muốn gặp bất kỳ ai. Lúc đó tôi thật sự sợ bị so sánh, sợ bị chê trách, sợ bị gọi là đứa thất bại.

Khi bạn còn quá trẻ và mới chập chững những bước chân đầu tiên vào đời, khi mà bạn chưa có nhiều những trải nghiệm thất bại trước đó, lúc đó sự thất bại đầu đời luôn là một cú sốc tinh thần rất lớn. Khi đó, tất cả những kỳ vọng và dự định của bạn như đổ sông đổ biển. Cảm giác đó nó giống như bạn bất lực nhìn cả thế giới sụp đổ ngay trước mắt mình và tương lai là một khái niệm vô cùng xa xỉ. Cái mà bạn cần lúc ấy là một người đến bên bạn để nói với bạn rằng: “Đừng sợ! Tôi cũng thất bại như bạn thôi. Bạn không phải là kẻ thất bại duy nhất trong cuộc đời này!” Tiếc là, lúc đó tất cả những đứa bạn chơi chung nhóm của tôi đều đậu đại học, lại còn đậu với số điểm cao. Đã không có ai đến bên tôi để nói điều đó. Không ai trong số chúng thất bại như tôi.

Có một lần tôi có xem một video của Nick Vujicic, một diễn giả bị khuyết tật khá nổi tiếng về những bài diễn thuyết truyền cảm hứng của ông trên thế giới. Ông ấy là một người khi mới sinh ra đã không có tay và chân. Lúc đó ông ấy bị bạn bè trong trường cười nhạo và bắt nạt rất nhiều đến mức ông ấy đã phải tự tử nhưng may mắn là không thành công. Ông đã chia sẽ rằng thật lòng lúc đó ông đã ước gì có một người thứ hai nào đó trên thế giới này cũng sinh ra giống như ông, cũng không có tay và chân, để ông thấy mình không phải là kẻ bất hạnh duy nhất. Ông ấy tâm sự rằng mặc dù đó là một suy nghĩ hơi ích kỷ hay thậm chí là kỳ quặc, nhưng khi đó ông thật sự mong ước như thế. Khi tôi nghe những chia sẽ của ông, phần nào tôi đồng cảm với những suy nghĩ đó. Khi bạn thất bại hay khi bạn đánh mất hy vọng, lúc đó bạn thường nói với bản thân: Tại sao mình lại ở đây, trên thế giới này? Mình thật vô dụng. Mình thật vô nghĩa. Lúc đó bạn hy vọng sẽ có ai đó giống như bạn để bạn không lẻ loi. Bạn cũng sẽ cảm nhận rõ nhất sự vụn vỡ từ bên trong. Những nỗi sợ cũng từ đó mà bắt đầu kéo đến.

Người ta thường có quá nhiều những nỗi sợ trong đời, nhất là khi sự thành công chưa gõ cửa họ. Chúng ta sợ mình không bằng bạn bè nên ngại thách thức bản thân. Sợ mình không đủ năng lực nên ngại bước ra khỏi vùng an toàn. Sợ bị so sánh nên ngại bức phá. Sợ bị chê nên ngại thể hiện. Sợ cái nhìn soi mói, sợ sự kỳ thị của người đời nên không dám sống thật. Sợ không được tôn trọng, không được công nhận, sợ bị chỉ trích nên không dám làm khác đi hay dũng cảm đấu tranh cho những điều mà mình tin tưởng. Chúng ta sợ đủ thứ trên đời, sợ từ trong chính những suy nghĩ bên trong đầu đến những ảnh hưởng của những lời nói bên ngoài. Chính vì những nỗi sợ mà cuối cùng chúng ta không dám làm gì cả, không làm gì cả vì sợ bị thất bại. Và rồi chúng ta thất bại thật. Rồi sau đó chúng ta lại sợ chính sự thất bại đó. Chúng ta suy cho cùng rất sợ bị thất bại. Nhưng liệu thất bại có thật sự đáng sợ???

Quay lại với câu chuyện thi rớt đại học của tôi. Một thời gian sau khi có kết quả thi đại học và việc tôi rớt đại học trở nên chính thức hơn, tôi dường như không muốn gặp bất kỳ đứa bạn nào. May mắn thay có một hôm nhóm bạn trong lớp của tôi đã vào nhà tôi vì bọn chúng thấy tôi biến mất tăm kể từ khi thi đại học. Hầu hết trong số những người bạn đó đều đỗ đại học cao. Các bạn khuyên tôi nên cân nhắc đến nguyện vọng 2. Khi đó, tôi đã dự định sẽ tiếp tục ôn luyện khối A thêm một năm nữa và năm sau lại tiếp tục thi sư phạm Toán vì tôi cực kỳ yêu Toán nhưng các bạn lại khuyên tôi rằng nhỡ như sau một năm mà tôi vẫn không thi đậu thì tôi sẽ phí hoài một năm đó trong khi nếu xem xét nguyện vọng 2 tôi vẫn có thể đậu vào một ngành nào đó.

Sau khi các bạn ra về, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về lời khuyên của họ. Tôi thấy mình sẽ bị tụt lại phía sau nếu tôi vào đại học chậm hơn so với các bạn. Thế là tôi chọn nguyện vọng 2 cho ngành Luật. Thật lòng lúc đó tôi không có khái niệm gì về ngành này nhưng đơn giản là vì lúc đó ngành Luật là ngành tôi ít ghét hơn so với các ngành còn lại nên tôi chọn nó. Mãi đến sau này tôi nhìn lại tôi mới hiểu rằng đó là một sự lựa chọn vô cùng khôn ngoan và đúng đắn. Ngành Luật thật sự là nơi tôi thuộc về. Nó thật sự dành cho tôi.

Thời tuổi trẻ khi chưa có nhiều trải nghiệm về sự thất bại, người ta thường nhìn nhận nó ở một góc nhìn rất nặng nề. Tôi cũng đã từng như thế. Lúc đó cả thế giới như sụp đổ trước mắt tôi và tôi có cảm giác chỉ một mình tôi là thất bại. Cái cảm giác đó thật kinh khủng. Cái suy nghĩ đó thật độc hại. Nó có thể dễ dàng giết chết sự tự tin trong tôi. Nhưng suy cho cùng không phải sự thất bại nào cũng là thất bại mà đôi khi đó lại là một điều may mắn khi bạn nhìn nó ở một góc nhìn khác, lạc quan hơn. Ví dụ như việc Nick Vujicic đi tự tử nhưng thất bại thì đó chẳng phải là một điều quá may mắn hay sao? Hay việc bạn thất bại trong một cuộc hôn nhân và chọn dừng lại đồng nghĩa với việc bạn may mắn vì đủ dũng cảm để bước ra khỏi một mối quan hệ không hạnh phúc. Việc quá đặt nặng sự kỳ vọng của gia đình hay của người đời vào một thành tích nào đó mà bạn nhất định phải đạt được càng làm tăng lên gấp bội áp lực khi không thành công. Khi đó, cái mà bạn thật sự sợ không phải là bản thân sự thất bại đó mà là sợ so sánh, sợ bị khinh thường, sợ bị đánh giá thấp trong mắt mọi người. Sự thất bại suy cho cùng không đáng sợ, nhưng những suy nghĩ tiêu cực nảy sinh trong đầu bạn sau mỗi thất bại mới đáng sợ hơn gấp vạn lần.

Có thể ở một thời điểm nào đó một sự thất bại có thể làm bạn đau lòng đến nổi mất hết niềm tin vào bản thân. Nhưng khi đứng ở một thời điểm khác, khi bạn đủ thời gian để chiêm nghiệm và nhìn nhận lại mọi thứ, bạn sẽ hiểu mọi việc diễn ra điều có lý do của riêng nó và sự thất bại của ngày xưa chưa hẳn là sự thất bại mãi mãi, nó đơn giản chỉ là một sự thất bại tạm thời ở một thời điểm nhất định. Thất bại dạy cho bạn những bài học, cho bạn những kinh nghiệm và sự trưởng thành cần có, đó cũng là điều kiện cần cho những thành công sau này. Vì vậy, bản thân một sự thất bại không đáng sợ. Suy cho cùng ai cũng sẽ có đôi lần thất bại. Chúng ta vốn dĩ không hoàn hảo đến nỗi không hề thất bại trong đời. Nhưng bạn chỉ thật sự thất bại khi bạn cho phép bản thân tin rằng mình là một kẻ thất bại và dễ dàng chấp nhận nó. Và cái đáng sợ nhất của sự thất bại có lẽ là việc bạn cho phép lần thất bại đó là nguyên nhân của nhiều lần thất bại sau đó.

Thuynhoi Tran

08.4.2022

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.