Bạn là người duy nhất hiểu rõ bạn là ai, giá trị đích thực con người bạn nằm ở đâu. Tất cả những điều đó nó không nằm ở bất kỳ chuẩn mực mà người đời luôn áp đặt lên cho bạn mà nó phải do bạn tự đặt định giá trị bản thân mình.
Thuynhoi Tran
Đó là một bí mật mà tôi luôn cất giấu trong lòng. Ít nhất là 25 năm cho đến khi tôi tìm được chiếc chìa khóa giải mã nó. Ít ra là như thế.
Câu chuyện xảy ra khi tôi còn rất nhỏ, tôi thậm chí khi đó tôi chưa đủ tuổi đến trường để học chữ abc. Tôi có một đứa em gái rất xinh đẹp, em tôi nhỏ hơn tôi một tuổi. Lúc còn nhỏ, người lớn hay bảo chúng tôi giống như hai chị em sinh đôi. Điều duy nhất làm chúng tôi rất khác nhau là em tôi da trắng còn tôi thì da ngâm đen. Mà hồi đó người lớn hay trêu tôi là “sao da con nhỏ này đen thui như miên vậy”. Người miền Tây hay dùng cụm từ “đen như miên” để ám chỉ làn da đen như người Khmer. Ngoài làn da đen ra, tôi còn có hàm răng thưa, nhất là hai cây răng cửa. Nó luôn là điều làm tôi khổ sở vì nó luôn là đề tài để mọi người trêu trọc tôi. Họ thậm chí còn nói trêu với mẹ tôi là liệu có phải bà đã nhặt tôi ở một góc chuối nào không vì tôi không giống những đứa trẻ khác trong nhà. Khi ấy tôi còn rất nhỏ. Điều đầu tiên đọng lại dấu ấn trong đầu tôi là ý nghĩ “tôi là một con bé xấu xí”.
Điều làm tôi tổn thương nhất là họ, những người lớn, luôn so sánh tôi và đứa em gái xinh đẹp của tôi. Mỗi khi ai đó đến nhà tôi chơi, họ thường ôm chầm lấy em tôi, hôn con bé và khen ngợi bằng những lời mĩ miều nhất. Còn tôi thì đứng đó, nhìn và thèm khát được yêu thương. Tôi thậm chí đã từng rất ghét em của mình chỉ vì nó luôn xinh đẹp hơn tôi, chỉ vì nó luôn được yêu thương nhiều hơn tôi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy cuộc sống này thật không công bằng với tôi. Tôi đã tự hỏi tại sao da tôi lại đen? Tôi không trông giống ai cả trong gia đình tôi vì không ai da đen như tôi. Tại sao em tôi lại trắng và xinh đẹp như công chúa Bạch Tuyết? Tại sao? Tại sao vậy???
Có một lần tôi bị ghẻ lạnh bởi quá nhiều người (kể cả người lớn và các bạn chung lớp) vì làn da đen của mình, tôi đã chạy hỏi mẹ tôi liệu tôi có phải là con bé xấu xí như người ta vẫn thường hay nói. May mắn thay, mẹ tôi không nằm trong số họ. Mỗi khi ai đó chê tôi đen và xấu, mẹ luôn bảo rằng “không đâu, nếu nhìn kĩ thì con bé cũng có nhiều nét duyên ngầm lắm”. Mẹ là một trong số rất ít những người lớn đã nói những lời để bảo vệ tôi. Nhưng như thế vẫn không đủ để bảo vệ tâm hồn bé bỏng đã bị tổn thương như tôi.
Tôi bắt đầu cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người bằng thành tích học tập của mình. Đơn giản là vì tôi cũng muốn được quan tâm, được yêu thương như bao đứa trẻ khác. Lúc đó trong đầu của một đứa trẻ thơ, tôi đã ý thức được rằng tôi không có gì cả. Tôi không trắng, tôi không xinh đẹp, tôi không hát hay, nhảy giỏi, … Điều duy nhất mà tôi có là học giỏi. Tôi đã luôn tự hào về điều đó.
Khi tôi lớn hơn một chút, làn da của tôi có cải thiện đôi phần nhưng cơ bản nó vẫn là làn da ngâm đen của đứa nhà quê. Những đứa bạn ở thành thị lúc đó thường không ai chọn chơi với tôi vì đơn giản tôi không giống họ. Tôi quá khác biệt. Trong khi những người bạn cùng trang lứa họ đã “dậy thì thành công” và trở thành những cô thiếu nữ xinh đẹp thì tôi vẫn là một con vịt xấu xí. Mặc cảm đó còn tăng lên khi ông trời lại một lần nữa trao hết những gì ưu tú nhất cho em gái tôi, da trắng, dáng chuẩn, nấu ăn ngon, hát hay, nhảy giỏi. Tất cả những điều đó luôn làm cho người đối diện dễ dàng yêu quý nó nhiều hơn. Còn tôi thì không có gì cả. Tôi lại cặm cụi chăm chỉ học tập để thu hút sự quan tâm của mọi người bằng thành tích học tập ấn tượng của mình. Đó là cái duy nhất tôi có. Khi đó tôi vẫn tin mình là một con bé xấu xí.
Một lần khi tôi học đại học, tôi có xem chương trình thi hoa hậu hoàn vũ thế giới. Trong chương trình đó có rất nhiều thí sinh đến từ Châu Phi, họ có làn da đen, thậm chí là đen hơn tôi rất nhiều, nhưng họ rất tự tin để sải những bước đi trên sân khấu. Nụ cười của họ cũng tự tin không kém. Lúc đó tôi tự hỏi liệu họ không mặc cảm về làn da của họ hay sao? Điều gì đã khiến họ tự tin vào bản thân như thế? Lần đó trong một tiết học ở trường, tôi đã được một thầy giáo dạy rằng ở mỗi quốc gia, tiêu chuẩn về cái đẹp là khác nhau. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào lịch sử, văn hóa và địa lý của quốc gia đó. Vì vậy mà các em sẽ thấy nhiều cô ở Châu Phi da đen thui nhưng vẫn đi thi hoa hậu là vậy. Lúc đó cả lớp tôi phát lên cười khoái chí. Tôi thì không. Tôi bắt đầu nghi ngờ về những khái niệm mơ hồ mà bấy lâu nay tôi luôn tin đó là chuẩn mực. Có thể HỌ đã sai. Tôi bắt đầu hoang mang, tôi bắt đầu nghi ngờ.
Thế giới quan của tôi đã thay đổi rất nhiều khi tôi bước ra thế giới. Tôi bắt đầu tự tin hơn về bản thân mình khi tôi đi du học. Khi đó cả thế giới mở rộng trong tầm mắt tôi và tôi như đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Thế giới của sự tự do và dân chủ, không có nhiều soi mói và phán xét của người đời. Tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi lần đầu tiên trong đời tôi thấy một thằng sinh viên khoa âm nhạc mang cây đàn trên vai, tóc dài, mặc váy con gái đi tung tăng ngoài đường. Lần đầu tiên khi tôi bắt gặp hình ảnh ấy tôi đã tự hỏi: “thằng này bị điên à?” Nhưng không. Đến khi tôi gặp thêm nhiều và rất nhiều thằng giống như nó, tôi đã nghĩ khác đi. Họ không điên như tôi nghĩ. Đơn giản là họ đang sống cuộc sống của riêng họ.
Một lần khác tôi được học với một giảng viên người bản địa, ông thầy ấy xăm mình đầy hai cánh tay và cả vùng cổ. Tôi đã cảm thấy rất ”gớm ghiếc” khi lần đầu nhìn một hình ảnh nhà giáo như thế. Lúc đó trong đầu tôi nghĩ, “ông này khác gì dân xã hội đen nhỉ.” Trong đầu tôi đầy những kỳ thị và soi mói. Rồi suy nghĩ đó cũng đã nhanh chóng bị dẹp qua một bên khi tôi nhận ra không chỉ có ông giảng viên đó mà cả trăm, cả ngàn người khác, từ phụ nữ đến mấy đứa tuổi teen, người già cũng xăm mình. Càng tìm hiểu về văn hóa và đời sống ở đây, tôi mới hiểu rằng xăm mình không “sai” như tôi đã từng nghĩ. Xăm mình không có gì đáng xấu hổ. Nó không đồng nghĩa với việc họ là người xấu. Nó đơn thuần chỉ là một sở thích, một nét văn hóa cần được tôn trọng. Mà họ cũng chỉ xăm hình lên cơ thể của họ, chứ có đá đụng gì đến thế giới hòa bình của ai đâu. Nếu kiên nhẫn lắng nghe một chút, bạn sẽ học được rằng phía sau mỗi hình xăm của một người là cả một câu chuyện dài…
Quay lại chuyện làn da, ở đây họ không quá quan trọng việc bạn có một làn da trắng hay không mặc dù việc kỳ thị người da màu cũng thỉnh thoảng xảy ra. Nơi tôi sinh sống và học tập là một đất nước đa chủng tộc. Mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới. Một lần, một người bạn bản xứ nói với tôi rằng làn da bạn đẹp quá. Tôi ước có một làn da khỏe mạnh như bạn. Người da trắng ở đây họ rất thích tắm nắng để có nhiều Vitamin D cho da, để da khỏe mạnh hơn. Nhiều người trong số họ không thật sự thích màu da trắng mà họ đang có. Ban đầu tôi cứ nghĩ bạn ấy nói đùa, sau này khi có nhiều người nói với tôi như thế nên tôi nghĩ là họ nghiêm túc. Từ đó tôi tự tin hơn rất nhiều về bản thân.
Một lần khác một người bạn da đen của tôi nói rằng ở đất nước Nigeria của cô ấy, họ quan niệm răng thưa (răng cửa) là đẹp một cách quý phái. Vì vậy mà nhiều người không có răng thưa cũng cố đi cưa cho nó có kẻ hở giữa hai cây răng cửa. Bạn ấy nói tôi may mắn vì tôi có đôi răng “quý phái” đó. Tôi thoạt nghi ngờ bạn này đang đùa mình à. Nhưng khi quan sát có nhiều sinh viên đến từ Nigeria có răng thưa giống như tôi nên tôi nghĩ cô ấy nói thật. Những người bạn mà tôi gặp họ cũng thường nói về tôi như một cô gái nhỏ có đôi mắt biết nói và nụ cười đẹp. Điều đó làm tôi được an ủi rất nhiều. Cảm giác như những tổn thương năm nào bây giờ đang được chữa lành. Cuối cùng nét đẹp của mình cũng được “thừa nhận”, hay ít nhất là tôi cảm thấy như thế. Nhưng nó không phải là tất cả điều mà tôi muốn nói.
Một lần tôi có đọc một quyển sách của Judge Judy Sheindlin, một người Thẩm phán rất nổi tiếng ở Mỹ. Bà ấy là một trong những người phụ nữ truyền cảm hứng sống mạnh mẽ cho tôi. Trong quyển sách What Would Judy Say, bà ấy có một câu nói truyền cảm hứng mà tôi rất thích là:
You define yourself. Never let anyone or anything define your value or limit your dream.
Judge Judy
(tạm dịch là: Bạn là người định nghĩa chính bạn. Đừng để bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì định nghĩa giá trị bản thân bạn hoặc giới hạn giấc mơ của bạn).
Nếu bạn để điều đó xảy ra thì đó là một sai lầm. Câu nói ấy thật sự tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của tôi và làm thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi về giá trị bản thân mình. Bạn là người duy nhất hiểu rõ bạn là ai, giá trị đích thực con người bạn nằm ở đâu. Tất cả những điều đó nó không nằm ở bất kỳ chuẩn mực mà người đời luôn áp đặt lên cho bạn mà nó phải do bạn tự đặt định giá trị bản thân mình.
Năm 2019 tôi có xem cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Thế Giới một lần nữa, lúc đó tôi rất thích cô gái da màu đến từ Nam Phi tên Zozibini Tunzi. Cô ấy cuối cùng cũng là người chiến thắng trong cuộc thi đó. Cô ấy không có làn da trắng như tuyết như bao cô gái Việt mơ ước nhưng tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi vẻ đẹp của cô đến từ tâm hồn cô, từ sự tự tin của cô và từ vẻ đẹp tri thức tỏa ra mỗi khi cô ấy trả lời phỏng vấn của giám khảo. Đó là cái đẹp mà bấy lâu nay tôi luôn muốn hướng đến.
Cho đến nay vẫn còn nhiều người đem quan điểm của bản thân về chuẩn mực của cái đẹp để áp đặt lên người khác và không ngại dùng những từ ngữ tổn thương họ. Không ít những người bạn của tôi vẫn thỉnh thoảng hỏi thăm tôi bằng những câu nói mang tính sát thương cao như kiểu: sao mày đi du học lâu vậy mà không giống tây gì hết vậy, nó đi học lâu vậy mà da cũng còn đen he… Thật ra tôi đã rất quen với những câu hỏi như vậy và tôi không cảm thấy buồn hay bị tổn thương như lúc còn bé. Đơn giản vì tôi biết tôi là ai, tôi biết giá trị bản thân mình ở đâu, nó đáng giá bao nhiêu. Tôi vui vì tôi là tôi thôi, không phải sự kỳ vọng hay sự áp đặt của người đời. Có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao đi học bên tây lại phải giống tây mới được, tại sao đi du học thì da phải trắng lên, phải sang chảnh hơn, phải thời thượng hơn? Tôi không cố “sang” lên trong mắt mọi người vì đó không phải là cái vẻ đẹp mà tôi theo đuổi.
Những lời nói trêu đùa của người lớn dù nghĩ rằng không có gì nhưng vô hình trung đôi khi nó lại làm tổn thương tâm hồn trẻ nhỏ rất nhiều. Sự tổn thương đó có thể theo đứa trẻ sau ngần ấy thời gian. Nếu bạn có một đứa con, tôi tin bạn cũng không muốn con bạn lớn lên trong mặc cảm cùng những ký ức không mấy tươi đẹp chỉ vì những lời nói đùa cợt không suy nghĩ của người lớn. Một đứa trẻ sinh ra dù xấu hay đẹp dù lành lặn hay không lành lặn thì bằng một cách nào đó nó đã là một thiên thần trong lòng của một ai đó. Nên là, nếu bạn không nói được những lời hay ho đẹp đẽ thì tốt nhất cũng đừng nói gì để tổn thương nó. Nếu bạn có một đứa con, làm ơn hãy nói với con bạn rằng: “Nếu ai đó bảo rằng con không xinh đẹp thì con hãy nhớ rằng họ đang nói dối con.”
Thuynhoi Tran
(21.12.2020)
(Bạn cũng có thể nghe bài viết này ở phiên bản podcast trên trang Thuynhoi Tran’s Blog hoặc nghe tại đây)
I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.
Error: API requests are being delayed. New posts will not be retrieved for at least 5 minutes.
There may be an issue with the Instagram access token that you are using. Your server might also be unable to connect to Instagram at this time.
Click here to troubleshoot.