Người ta đôi khi không cần một ai đó có thể giúp họ giải quyết những vấn đề mà họ đang gặp phải, mà đôi khi cái họ cần chỉ là một người lạ để tâm sự. Một người có thể không biết gì về họ nhưng chịu lắng nghe họ, không nhất thiết phải thấu hiểu họ nhưng quan trọng là không chỉ trích, không phê phán, không bình luận gì cả, chỉ cần ngồi đó lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe thôi…. (trích trong Khung Cửa Sổ)
Đó là một buổi chiều của ngày 8 tháng 3 năm 2017. Chiều hôm đó tôi có một cuộc hẹn đi phiên dịch tại bệnh viện Leeds General Infirmary, cuộc hẹn lúc 13:00 cho một bệnh nhân nam. Đó là tất cả thông tin mà tôi có được, tôi không biết nội dung cuộc gặp hôm đó sẽ nói về vấn đề gì nên tôi tranh thủ đi sớm hơn một chút mặc dù việc đi đúng giờ là việc cần làm của một người làm việc chuyên nghiệp. Tôi luôn có thói quen đi đến các cuộc hẹn sớm hơn tầm 10 phút để đảm bảo rằng tôi sẵn sàng cho mỗi cuộc gặp mặt và không ai phải chờ đợi mình. Tôi là người không thích việc trễ hẹn, vì vậy tôi luôn cố gắng không để điều đó xảy ra. Có đôi lần tôi đi trễ vì lý do khách quan như tàu xe bị hủy, tôi thường đứng ngồi không yên, và tôi rất ghét điều đó.
Hôm nay ngoài trời mưa rơi, dù không quá lớn nhưng cũng khá lạnh và bầu trời khá ảm đạm. Như một thói quen, tôi đi làm nhưng không mang cây dù nào theo. Mặc dù hay bị nhắc nhở phải giữ gìn sức khỏe, nhưng tôi là người không thích cầm dù, tôi cảm giác nó khá vướng víu tay chân và tôi không thể đi nhanh khi có nó. Nên là tôi thường không dùng đến cây dù khi trời mưa hay trời tuyết. Tôi biết điều đó không thật sự tốt cho sức khỏe vì tôi hay bị ho khi thấm lạnh, nhưng tôi vẫn quyết định không dùng đến nó.
Tôi đến nơi khá sớm, cô nhân viên ngồi tại quầy tiếp tân của bệnh viện hướng dẫn cho tôi đi về hướng buồng bệnh nơi mà tôi sẽ dịch cho một bệnh nhân ở đó. Dù đây không phải là lần đầu tôi đi phiên dịch trong bệnh viện nhưng vì tôi không biết trước hôm nay khách hàng của tôi bị bệnh gì nên tôi hơi hồi hộp. Thường thì tôi sẽ được thông báo trước về tính chất của cuộc hẹn nên tôi sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị những từ ngữ chuyên ngành và vì vậy tôi sẽ tự tin hơn rất nhiều. Hôm nay thì lại khác, tôi không được biết trước điều gì cả.
Một cô y tá dẫn tôi vào phòng của một bệnh nhân. Vì tôi đến sớm hơn 15 phút so với lịch hẹn nên cô ấy bảo tôi ngồi chờ bác sĩ ở một cái ghế trong phòng của bệnh nhân. Tôi hỏi cô ấy:
– Cô ơi, ông ấy bị gì vậy?
– Ông ấy vừa trải qua một cuộc phẩu thuật về gan (liver resection). Cô vui lòng ngồi chờ ở đây, khi đến giờ bác sĩ sẽ đến kiểm tra cho ông ấy và sẽ hướng dẫn ông ấy cách uống thuốc. Vì vậy chúng tôi cần một người phiên dịch cho ông ấy.
Tôi bảo ok, cảm ơn cô! Cô ấy rời khỏi phòng trong khi người bệnh nhân vẫn còn đang nằm ngủ trên giường bệnh. Căn phòng dù có đèn nhưng hơi tối. Tôi cảm thấy không được thoải mái lắm vì không khí này thật ảm đạm. Một bệnh nhân vừa trải qua một cuộc phẩu thuật nằm một mình trong một căn phòng khá tối. Mọi thứ thật tĩnh lặng, chỉ mình tôi ngồi đây và ông ấy nằm đó. Tôi không biết ông là ai, đến từ đâu. Cũng giống như bao khách hàng khác mà tôi đã từng dịch, tôi không được biết họ là ai. Bệnh nhân hôm nay là một người đàn ông cuối tuổi trung niên. Không giống như những người Việt khác, ông ấy khá cao. Điều tôi ấn tượng về ông khi lần đầu nhìn ông là gương mặt của ông đầy phong trần và lo âu. Thậm chí ngay cả khi ông đang nằm ngủ, điều đó vẫn hiện lên rất rõ trên gương mặt của ông.
Chỗ tôi ngồi gần một khung cửa sổ bằng sắt, tôi quay đầu nhìn xuyên qua bên ngoài khung cửa ấy, hy vọng nhìn thấy nhiều ánh sáng hơn để có thể cảm thấy thoải mái hơn. Tôi không thích bóng tối vì nó dễ làm tôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Khung cảnh bên ngoài cửa sổ là một bức tường khá cao được xây bằng những viên gạch màu đỏ, trông khá cũ kỹ. Tôi nghĩ chắc nó đã được xây từ rất lâu rồi. Phía hai bên của bức tường là những sợi dây kẽm gai và những đổ nát của một căn nhà cũ mà có vẻ từ lâu đã không có người sống ở đó. Hay ít ra là tôi đoán như thế. Chiều nay trời lại mưa, bầu trời như trở nên tối lại. Khung cảnh bên ngoài khung cửa sổ cũng ảm đạm không kém gì bên trong căn phòng này. Tôi đứng khoanh tay bên khung cửa đó một hồi lâu, thấy trong lòng có chút gì đó hơi buồn với những suy nghĩ mông lung. Nếu phải gọi tên nó, tôi nghĩ đó là cảm giác thương cảm cho một kiếp người. Khoảnh khắc này thật tĩnh lặng và ảm đạm, một sự tĩnh lặng đến gợn người. Tôi chợt giật mình khi nghe có tiếng ho nhẹ. Ông ấy đã thức, tôi quay sang chào ông ấy.
– Chào chú, con tên là Thủy. Con là phiên dịch. Con sẽ dịch cho chú trong cuộc gặp với bác sĩ lúc 13:00.
– Nhưng tôi biết tiếng Anh, tôi không cần phiên dịch!
Ông ấy nói với giọng hơi khó chịu. Ông lại ho nhẹ. Giọng ông còn hơi yếu. Có lẽ ông ấy còn mệt sau cuộc phẩu thuật gan ngày hôm qua. Ông ấy nói tiếp:
– Tôi có bảo là cần phiên dịch đâu. Tôi nói tiếng Anh được. Tôi đã ở Anh mấy chục năm nay rồi.
– Cái này cháu không rõ chú ơi vì bệnh viện họ book phiên dịch cho chú.
– Thế à? Nhưng tôi có kêu họ book phiên dịch đâu chứ.
Tôi không cảm giác ngạc nhiên về điều này vì ở Anh, các dịch vụ công đặc biệt là y tế họ cần đảm bảo rằng bệnh nhân được truyền đạt thông tin từ bác sĩ, y tá một cách chính xác và đầy đủ nhất. Thậm chí nếu họ nói được tiếng Anh nhưng nếu bác sĩ cảm thấy tiếng Anh của họ chưa đủ để giao tiếp trong những trường hợp cần thảo luận về những vấn đề chuyên môn, chuyên sâu hơn về sức khỏe của họ thì khi đó bác sĩ sẽ quyết định có nên book phiên dịch cho bệnh nhân đó hay không. Thậm chí kể cả bệnh nhân đó không yêu cầu. Trong một số trường hợp khác, bệnh nhân có người nhà có thể nói rất tốt tiếng Anh, nhưng bệnh viện vẫn không chấp nhận cho họ phiên dịch cho người nhà của họ. Thay vào đó bệnh viện sẽ book một phiên dịch để đảm bảo rằng mọi thứ đều khách quan, minh bạch và chính xác, tránh những khiếu nại về sau. Đối với các dịch vụ công bên Anh thì việc chi trả chi phí cho phiên dịch do bệnh viện chịu nên bệnh nhân không cần lo lắng về khoản này. Đó là một trong những điểm cộng về chính sách an sinh xã hội ở đây.
Tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế đó, chờ bác sĩ đến. Tôi đã nhìn xuống đồng hồ đeo tay vài lần, đã đến giờ nhưng bác sĩ vẫn chưa đến. Tôi không nói gì thêm vì theo quy tắc làm việc của nghề phiên dịch, tôi không được tiếp xúc hay trao đổi riêng với khách hàng khi không có bác sĩ ở đó. Một phần vì tôi biết ông ấy còn mệt nên tôi cũng không định bắt chuyện. Rồi tôi thấy ông ấy khóc. Đàn ông họ không khóc thành lời như kiểu của đàn bà. Tôi nhìn ông. Tôi thấy ông dụi mắt. Lúc này tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế gần khung cửa sổ. Tôi bắt đầu mở lời:
– Con có nghe cô y tá bảo là chú vừa có cuộc phẩu thuật ngày hôm qua, chắc bây giờ chú còn đau lắm hả chú?
Tôi đã nghĩ như thế. Tôi nghĩ rằng chắc do cuộc phẩu thuật nên ông ấy đau đến chảy nước mắt.
– Tôi không thấy đau. Tôi thấy cô đơn.
– Hôm nay có ai đến đây với chú không? Người thân của chú cũng ở Leeds à?
– Tôi có đứa em gái, nó có đến đây sáng nay thăm tôi. Nhưng giờ nó về rồi.
– Thế chú có gia đình ở đây không?
– Tôi có vợ và ba đứa con. Vợ tôi bị bệnh nên ở nhà, không vào đây với tôi được. Con tôi đi làm hết rồi. Bọn nó sống ở London, đứa nào cũng có việc riêng, không ai rảnh đâu mà về thăm.
– Thôi, chú đừng buồn nữa. Chú chỉ cần nghỉ ngơi để sớm bình phục rồi về nhà với vợ chú nha.
Tôi thấy có hộp khăn giấy trên chiếc bàn gần giường của ông ấy, tôi hỏi liệu ông có cần không. Ông ấy gật đầu. Tôi đưa cho ông ấy hộp khăn giấy. Ông ấy lau nước mắt, xong lại tiếp lời:
– Tôi sang đây lúc tôi mới mười mấy tuổi thôi, giờ tôi cũng gần 60 rồi. Tôi rời Việt Nam để tìm cuộc sống tốt hơn để có thể giúp đỡ gia đình của tôi ở Việt Nam. Xa quê tôi nhớ lắm. Những ngày gần đây tôi bị bệnh, tôi nhớ quê nhiều hơn.
Rồi ông ấy kể rất nhiều về cuộc đời của ông như là có bao nhiêu đứa con, bao nhiêu đứa cháu, ông nhớ bọn chúng nhiều thế nào. Ông cũng nói về việc ông phát hiện bệnh bao lâu, nhập viện bao lâu rồi, về những nỗi nhớ quê hương ở Việt Nam, về những thăng trầm trong cuộc đời… Ông ấy nói như thể ông chưa được nói từ rất lâu rồi. Như một người có quá nhiều tâm sự, nhiều chất chứa trong lòng mà không được giải bày cùng ai. Cũng có thể không ai hiểu ông, chịu lắng nghe ông, hoặc cũng có thể ông chưa tâm sự điều này với ai trước đây. Thường thì sau một sự cố nào đó, người ta thường trở nên mở lòng hơn, cảm nhận cuộc sống đa chiều hơn. Tôi nghĩ ông cũng thế. Có thể ông chưa bao giờ nói nhiều về những nổi đau của ông, sự cô đơn và nổi nhớ quê như lúc bây giờ. Như thể cuộc phẩu thuật này đã làm thay đổi ông. Có thể những ngày nằm trên giường bệnh, ông ấy có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm về cuộc đời của mình. Suy cho cùng, ai cũng có những nổi niềm riêng, lòng trắc ẩn riêng. Không phải vậy hay sao? Tôi nhìn thấy nước mắt ông rơi nhiều hơn khi ông nói về những điều đó, nhất là sự cô đơn của ông.
Tôi kiên nhẫn ngồi lắng nghe ông nói. Đó là việc tôi nghĩ tôi nên làm vào lúc đó. Người ta đôi khi không cần một ai đó có thể giúp họ giải quyết những vấn đề mà họ đang gặp phải, mà đôi khi cái họ cần chỉ là một người lạ để tâm sự. Một người có thể không biết gì về họ nhưng chịu lắng nghe họ, không nhất thiết phải thấu hiểu họ nhưng quan trọng là không chỉ trích, không phê phán, không bình luận gì cả, chỉ ngồi đó lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe thôi. Đã có hơn một lần, tôi cần một người lạ như thế nên tôi cảm nhận được những nỗi lòng của ông. Tôi gọi đó là sự cảm thông của con người với con người, hay là sự san sẻ của đồng loại.
Cuối cùng thì bác sĩ cũng đến cùng một cô y tá. Bác sĩ kiểm tra vài thứ để xem có ổn không, rồi hỏi thăm tình hình sức khỏe của bệnh nhân và dặn dò vài điều. Ông ấy giao tiếp với bác sĩ bằng tiếng Anh nên tôi cũng không phải dịch gì nhiều. Tôi có thể thấy ông ấy rất chủ động nói tiếng Anh để chứng minh rằng ông ấy thật sự không cần một phiên dịch. Cuộc gặp mặt với bác sĩ diễn ra rất nhanh chóng, không quá 10 phút. Sau khi vị bác sĩ rời đi, cô y tá vẫn ở lại. Tôi nói với cô ấy rằng tôi thấy tiếng Anh của ông ấy tốt, tôi không nghĩ ông ấy cần một phiên dịch. Cô y tá cũng đồng tình với tôi là ông ấy có thể giao tiếp được. Nhưng đây mới là phần quan trọng nhất, cô ấy nói:
– Tôi có một danh sách những loại thuốc mà ông ấy cần uống. Tôi cần giải thích cho ông công dụng của từng loại thuốc trước khi ông ấy uống. Vì vậy chúng tôi cần một người phiên dịch vì tôi không chắc là ông ấy có thể hiểu hết những gì tôi sắp nói hay không.
Rồi cô y tá đưa cho tôi xem hai bọc thuốc với rất nhiều loại thuốc khác nhau. Cô ấy cẩn thận giải thích cho tôi hiểu công dụng của từng loại thuốc. Có một tờ giấy gọi là nhật ký uống thuốc kèm theo đó. Ông ấy sẽ cần đánh dấu tick vào các ô tương ứng vào mỗi buổi sáng, chiều, tối sau khi ông ấy đã uống thuốc để chắc chắn rằng ông không bị bỏ lỡ hay uống quá liều. Sau khi giải thích cho tôi nghe và hiểu cẩn thận, cô ấy quay sang nói chuyện với ông ấy. Cô đưa lên từng loại thuốc và nói công dụng của từng loại, tôi bắt đầu dịch lại những gì cô ấy nói. Cô y tá dừng lại sau mỗi lần cô ấy nói về tác dụng của mỗi loại thuốc để kiểm tra xem ông ấy có theo kịp hay không. Ông ấy gật đầu, rồi gật đầu nhưng tôi có thể thấy ông ấy còn đang rất mệt. Tôi không nghĩ rằng ông ấy đủ minh mẫn để nhớ hết những gì cô y tá nói hay ít nhất là hiểu đầy đủ những thông tin đó. Tôi cảm giác ông ấy sẽ quên ngay sau đó vì có quá nhiều loại thuốc và quá nhiều thông tin cần nhớ. Tôi quay sang nói với cô y tá:
– Tôi không nghĩ ông ấy nhớ hết những gì cô nói đâu. Cô có nghĩ vậy không?
– Uhm, tôi cũng nghĩ vậy. Thật khó để có thể nói cho ông ấy hiểu trong khi ông ấy chưa thật sự khỏe. Nhưng tôi có một cái form cần ông ấy ký tên vào. Trong cái form này xác nhận là ông ấy đã được giải thích về công dụng của từng loại thuốc và đã hiểu đầy đủ về nó trước khi uống. Vì vậy tôi cần giải thích cho ông ấy từng loại một.
– Nhưng rõ ràng cách này không hiệu quả, ông ấy còn yếu và trông rất mệt. Tôi có thể thấy điều đó khi cô giải thích đến loại thuốc thứ ba. Ông ấy đã phải cố gắng lắng nghe xem cô nói gì trong một trạng thái rất là mệt.
– Tôi có thể thấy điều đó. Nếu có người nhà của ông ấy ở đây sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi.
Cô y tá quay sang hỏi ông ấy xem liệu có người nhà nào của ông sẽ vào thăm ông chiều nay không? “Không có ai cả”, ông ấy nói. Cô ý tá lại hỏi tiếp:
– Thế ông có hiểu những gì tôi nói nãy giờ không? Ông có nhớ không?
– Tôi có hiểu nhưng tôi không nhớ hết.
Cô y tá quay sang nhìn tôi. Cô ấy nói không biết có nên tiếp tục hay không. Tôi nói:
– Hay là tôi sẽ ghi xuống cho ông ấy vậy. Ý tôi là cô vẫn sẽ giải thích cho ông ấy và tôi dịch lại cho ông ấy hiểu. Nhưng sau đó tôi cũng sẽ ghi xuống cho ông ấy để ông có thể xem lại khi cần.
Cô y tá đồng ý với ý kiến của tôi. Chúng tôi hỏi ông ấy liệu ông muốn tôi ghi tiếng Việt hay tiếng Anh? Ông ấy bảo là tiếng Việt vì ông ấy đọc tiếng Việt dễ hơn.
Thế là tôi ghi xuống hết cho ông những gì ông cần biết và nhớ. Sau đó tôi dịch lại cho cô y tá nghe xem liệu có cần bổ sung thêm thông tin nào không. Sau đó tôi đọc lại cho ông ấy nghe một lần nữa để chắc chắn rằng ông ấy hiểu đầy đủ thông tin. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cánh giải quyết vấn đề và ông ấy cũng đã ký vào tờ giấy của cô y tá. Cô ấy cảm ơn tôi vì đã giúp đỡ nhiệt tình cho người bệnh nhân ấy. Ông ấy cũng nói cảm ơn tôi hai lần. Lần này giọng ông không khó chịu như lúc ông mới gặp tôi. Ông có vẻ vui vẻ hơn. Có lẽ vì ông đã mở lòng mình ra. Tôi chào hai người rồi ra về.
Khi trên đường về nhà tôi đã suy nghĩ rất nhiều ông, về căn phòng và khung cửa sổ. Khung cửa sổ đó thật sự ám ảnh tôi. Tôi không ngừng suy nghĩ về nó trong một thời gian rất lâu. Tôi tự hỏi: suy cho cùng trong cuộc đời này cái mà con người mong muốn đi tìm nhất là gì? Không phải là hạnh phúc hay sao? Một người thanh niên chọn rời bỏ đất nước của mình ở cái tuổi đẹp nhất của con người, rồi dành hết thanh xuân của mình nơi đất khách để lập nghiệp và trụ lại nơi đây. Ông ấy có nhà cửa, ông ấy có gia đình, có vợ, có con cái được sinh ra và lớn lên ở một đất nước mà ông đã tìm đến để thay đổi cuộc đời. Ông ấy cũng đã có thể giúp đỡ gia đình ông ở Việt Nam. Ông ấy đã đánh đổi rất nhiều thứ để giờ đây ông có tất cả những gì mà ông đã kỳ vọng lúc còn trẻ. Nhưng ông ấy có hạnh phúc không? Khi tuổi về già ông đang nằm đó, một mình gặm nhấm nỗi cô đơn trong một căn phòng ảm đạm trong bệnh viện bên trong một khung cửa sổ, và rồi phía bên ngoài khung cửa ấy cũng không có sự sống và sự ảm đạm cũng bao trùm không gian bên ngoài. Tôi biết đó là cái giá của sự đánh đổi. Nhưng liệu ông ấy có hạnh phúc với sự đánh đổi, với sự lựa chọn của mình không? Ông ấy có thật sự hạnh phúc không?…
Còn tôi, tôi đã đứng đó, trước khung cửa sổ mà phía bên kia của nó tôi không cảm nhận được sự sống. Và tôi đã ngồi đó, chứng kiến một người đàn ông đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời như ông cuối cùng cũng rơi những giọt nước mắt vì sự cô đơn lúc về già. Và tôi đã ở đó, trong sâu thẳm những suy nghĩ của mình, tôi tự hỏi hạnh phúc là gì? Liệu tôi có thật sự hạnh phúc với sự lựa chọn và sự đánh đổi của mình không???
…Tàu vẫn cứ lướt qua nhanh những hàng cây bên đường, còn trong đầu tôi thì cứ lướt qua bao nhiêu là suy nghĩ mông lung. Cuộc đời, người ta cần gì nhiều hơn hai chữ hạnh phúc?
Thuynhoi Tran
(14.01.2021)
(Bạn cũng có thể nghe bài viết này ở phiên bản podcast trên trang Thuynhoi Tran’s Blog hoặc nghe tại đây)
I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.
Error: API requests are being delayed. New posts will not be retrieved for at least 5 minutes.
There may be an issue with the Instagram access token that you are using. Your server might also be unable to connect to Instagram at this time.
Click here to troubleshoot.
Lam | 27th Jan 21
Your life is your choice.