Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 3)

Có những biến cố trong cuộc đời cho dù bạn không bao giờ mong đợi nhưng nó lại ập đến như một cơn bão dữ, có sức mạnh tàn phá và làm đảo lộn hết tất cả mọi thứ. Kể từ đó, bình yên chưa bao giờ là một khái niệm xa xỉ và khó chạm gần đến như thế.

Thuynhoi Tran

3. NĂM NHẤT & HAI BIẾN CỐ

Có một câu hỏi mà các học trò trong lớp IELTS của tôi hay hỏi tôi rằng: Cô ơi nếu em không có tiền thì có cách nào em đi du học được không? Và câu trả lời của tôi luôn là CÓ. Vậy nếu không có tiền thì có đi học tiến sĩ được không? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời qua câu chuyện của tôi.

Thật lòng mà nói tôi bắt đầu chương trình Tiến sĩ của mình bằng con số 0 tròn trĩnh đúng nghĩa. Mặc dù học bổng Vice-Chancellor’s Scholarship chi trả cho 100% học phí của tôi nhưng về phần kinh phí khác tôi phải tự lo bao gồm phí làm visa, vé máy bay hay sinh hoạt phí. Các bạn thân của tôi thường nói với tôi rằng tôi là một người mà cái gì cũng có ngoại trừ ba thứ: tiền, sức khỏe và thời gian. Mà khổ cái là ba thứ này lại là ba thứ quan trọng nhất trong cuộc sống.

Tôi là người có thể nói kiếm tiền khá giỏi nhưng cũng không lúc nào có tiền bên mình. Thế là tôi bắt đầu hành trình của mình bằng số tiền ít ỏi mà những người bạn thân nhất cho tôi mượn. Đó là những người bạn mà suốt đời tôi cũng không thể quên ơn được. Thật ra trước khi rời khỏi Việt Nam, tôi đã đắn đo và tự hỏi mình rất nhiều lần về việc liệu rằng tôi có thể sống sót ở cái đất nước đắt đỏ như Anh không trong khi tôi chưa có bất kỳ kinh nghiệm đi làm thêm nào trước đây ở đấy. Vốn liến mà tôi mang theo bên mình khi sang đến Anh chỉ vỏn vẹn 410 đô và 564 bảng, tức là chỉ tầm khoảng 25 triệu đồng. Tôi nhớ rất rõ con số này vì tôi có ghi chúng vào quyển nhật ký của mình. Với số tiền này tôi có thể sống sót qua 2 tháng tại Anh nếu biết cách tiêu xài tiết kiệm.

Tôi đã từng viết trong một bài blog vào năm 2021 có tên 50 Pence Đắt Giá Nhất để kể về giai đoạn rất khó khăn này. Trong năm đầu tôi phải học một chương trình PGCert về các phương pháp nghiên cứu với 4 môn học. Thêm vào đó, vì tôi đã chọn thay đổi đề tài nghiên cứu của mình nên giai đoạn này tôi phải viết lại hoàn toàn đề cương luận án mới. Trong sáu tháng đầu của năm nhất đó tôi đã phải vừa hoàn thành 4 môn học, vừa viết báo cáo tiến độ nghiên cứu để ra bảo vệ năm nhất và vừa phải hoàn thành cho xong chương đầu tiên của luận án. Ở đây tôi muốn nói thêm một chút về quy trình nghiên cứu tiến sĩ ở trường Đại học Huddersfield. Theo đó các nghiên cứu sinh phải ra bảo vệ luận án của mình trong năm nhất và năm hai. Nếu bảo vệ thành công thì mới tiếp tục nghiên cứu tiếp cho đến khi nộp luận án cuối cùng. Điều này có nghĩa là cứ mỗi năm thì tôi phải ra bảo vệ các chương trong luận án của mình trước hai giám khảo. Nếu tôi bảo vệ thành công năm nhất thì tôi mới được sang năm hai. 

Sáu tháng đầu của năm nhất thật sự là khoảng thời gian tôi bị áp lực kinh khủng vì phải cân bằng cùng một lúc rất nhiều việc, mà cái nào cũng quan trọng như nhau. Vì vậy tôi đã quyết định không đi làm thêm mà chỉ tập trung cho việc học trong suốt khoảng thời gian này. Đó là một quyết định rất rủi ro nhưng nếu tôi không tập trung học cho xong các môn này thì giai đoạn sau tôi sẽ phải vất vả hơn rất nhiều lần. Điều này cũng có nghĩa rằng việc chi tiêu của tôi trong suốt khoảng thời gian đó đã phải rất tiết kiệm và khổ sở. Đỉnh điểm của những tháng ngày kinh tế chật vật đó là câu chuyện về 50 Pence Đắt Giá Nhất. Chỉ vì tôi đã không có đủ 50 pence mà tôi đã phải lỡ mất một buổi học vì không có đủ tiền mua vé xe bus đến trường. Tôi đã khóc ròng trên đường đi bộ về nhà trước khi chợt nhận ra một bài học về lòng tốt của con người. Như tôi đã viết trong bài blog đó, lòng tốt là một sự lựa chọn, nó chưa bao giờ là một nghĩa vụ. Vì vậy tôi cũng không thể quá trông chờ về việc sẽ có một ai đó chìa tay ra để giúp đỡ mình.

Biến cố về 50 pence xảy ra trong lúc tôi khốn cùng nhất và thật sự thời gian đó rất khó khăn đối với tôi. Sau biến cố đó tôi quyết định đi xin việc ở khắp nơi, bất kỳ công việc nào tôi cũng nhận làm kể cả đi cọ chùi toilet đến lau dọn nhà bếp hay đi làm phục vụ trong các nhà hàng. Tôi làm hết tất cả mọi thứ có thể, miễn sao tôi có thể kiếm được đồng tiền chân chính để sống sót qua những tháng ngày đó.

Cuối cùng tất cả sự nổ lực của tôi cũng đã có kết quả tốt. Tôi hoàn thành 4 môn học và được cấp một cái bằng về phương pháp nghiên cứu, nó tương đương với một bằng Thạc sĩ. Tôi bảo vệ năm nhất thành công ngoài mong đợi với sự đánh giá rất cao từ hai vị giám khảo. Đây có thể nói là năm duy nhất mà tôi tập trung toàn tâm trí cho việc học. Vì vậy kết quả khá khả quan. Tôi còn nhớ mãi một trong số hai vị đó đã bước đến hỏi tôi rằng làm thế nào mà tôi có thể biết hết những điều mà tôi vừa trình bày vì những phương pháp nghiên cứu của tôi không quá phổ biến trong giới nghiên cứu luật. Lúc đó tôi chỉ cười và đáp rằng do tôi chịu khó bỏ thời gian nghiên cứu thôi. Thật ra, chỗ này nếu thật lòng thì đáng lẽ tôi phải trả lời như thế này: Vì dù em không được đẹp gái lắm nhưng em là đứa có não cô ạ. Một niềm vui khác nữa là tôi cũng đã hoàn thành Chương 1 của luận án đúng tiến độ và nhận được phản hồi tích cực từ Thầy hướng dẫn. Mọi thứ tưởng chừng như kết thúc có hậu sau tất cả những khó khăn. Nhưng cái kết quả có vẻ như tốt đẹp đó lại là nguyên nhân tai hại cho cái biến cố tiếp theo không lâu sau đó.

Ngày 11.10.2016 – ‘Science Barbecue’

Đó là một ngày vô cùng tồi tệ của tôi. Một ngày đáng quên nhất trong đời. Hôm đó Khoa Luật có tổ chức một buổi hội thảo nghiên cứu lồng ghép với buổi Science Barbecue dành cho thầy cô và nghiên cứu sinh của khoa. Tức là các thầy cô của khoa và nghiên cứu sinh sẽ trình bày một nghiên cứu của mình, tập trung chủ yếu vào phương pháp nghiên cứu. Sau đó họ sẽ được đặt câu hỏi về phần trình bày của mình, bao gồm các câu hỏi đến từ một vị giáo sư của khoa, người đứng ra tổ chức buổi hội thảo này và một vị giáo sư khách mời đến từ Đan Mạch.

Khi tôi nhận được email từ Khoa Luật, tôi đã rất háo hức và đăng ký tham gia ngay mà không hề tham vấn ý kiến từ Thầy hướng dẫn của mình. Tôi có hai lý do để giải thích cho hành động này của mình. Thứ nhất, vì trước đó tôi đã bảo vệ năm nhất rất thành công và được thầy cô giám khảo đánh giá rất cao nên tôi rất tự tin vào bản thân. Thứ hai, vì sẽ có sự tham gia của một giáo sư khách mời từ Đan Mạch. Ông giáo sư đó và ông giáo sư của Khoa Luật, người chủ trì buổi hội thảo này, có vẻ rất thân với nhau. Tôi đã rất hào hứng để trình bày nghiên cứu của mình trước hai vị giáo sư với một suy nghĩ rất đơn giản rằng tôi hy vọng có thể có được những góp ý hữu ích từ hai vị cho đề tài nghiên cứu của mình.

Sự non nớt và thiếu kinh nghiệm nào cũng đáng phải trả một cái giá nhất định. Điều này càng đúng trong trường hợp của tôi. Tôi đã không biết được rằng tôi là sinh viên duy nhất của khoa đăng ký thuyết trình vào ngày hôm đó. Về phía thầy cô, đa phần là họ chọn tham gia để có mặt, rất ít người tham gia để thuyết trình. Lúc biết được điều đó tôi đã ít nhiều mất đi sự tự tin ban đầu của mình vì điều này làm cho tôi có cảm giác có gì đó không ổn.

Một ngày trước khi buổi science barbecue diễn ra tôi đã có buổi nói chuyện với Thầy hướng dẫn của mình và ông ấy đã tỏ ra rất thất vọng về việc tôi đã không tham vấn ý kiến của ông trước khi đăng ký. Sau này tìm hiễu kỹ tôi mới biết được một điều là cái ông giáo sư chủ trì trong khoa của tôi là một người mà trong khoa ai cũng né vì ông ấy rất khó tính một cách vô lý. Ông ấy cũng là người đã từng nói rằng ông không tin sinh viên quốc tế có thể hoàn thành được chương trình tiến sĩ. Với việc sinh sống và học tập ở Anh cũng khá lâu, tôi không quá ngạc nhiên khi có nhiều người Anh có hành vi phân biệt chủng tộc đối với người da đen hay da vàng như tôi. Tuy nhiên, với một người Anh mà là một vị giáo sư như ông mà lại có suy nghĩ như thế thì tôi thật sự bị sốc. Tôi đã ước rằng tôi biết được điều này sớm hơn chút nữa thì tôi đã không phải trở thành một nạn nhân đáng thương như thế.

Trong thương trường hay trên bàn cờ chính trị, người ta thường nói nhiều về những con tốt thí mạng. Xui xẻo thay, tôi vô tình lại trở thành con cờ đó trong bàn cờ của những tay chơi trong khoa. Nó liên quan đến một câu chuyện cũng khá phức tạp khác mà tôi không tiện kể ra ở đây. Không cần phải nói, tôi đã bị grilled đau đớn như thế nào trong buổi thuyết trình hôm đó. Ông giáo sư trong khoa không thể đợi đến khi tôi hoàn thành bài thuyết trình của mình mà đã cắt ngang giữa chừng để đặt câu hỏi cho tôi. Những câu hỏi của ông ấy thật sự quá sức đối với một sinh viên mới vừa hoàn thành năm nhất như tôi. Cộng thêm sự phối hợp của ông giáo sư khách mời, tôi dường như chỉ biết đứng lặng mà không trả lời được những câu hỏi khó đó.

Tôi nhớ mãi là ông ấy đã hỏi tôi về giải pháp cho vấn đề mà tôi đã nêu ra trong đề tài của mình. Trong khi đối với một nghiên cứu tiến sĩ, tôi cần ít nhất 3 năm để có thể tìm ra giải pháp cho đề tài. Với năm nhất, thường mọi người chỉ mới hoàn thành bước đầu định hình hướng đi như là sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu gì hay sẽ làm ra sao. Còn việc tìm ra được giải pháp cụ thể thì tôi cần thêm 3 năm nữa để nghiên cứu. Thế là buổi thuyết trình của tôi thất bại thảm hại vì hai vị giáo sư cho rằng tôi chưa thuyết phục được họ. Cuối buổi hội thảo đó, trước khi mọi người bước ra về hết thì ông giáo sư trong khoa có đi lại chỗ tôi và nói với tôi một câu. “Water à, dù sao thì cô cũng nên tự hào về mình vì cô rất can đảm để lên thuyết trình ngày hôm nay. Cô thấy đấy, mấy thầy cô trong khoa không ai lên thuyết trình cả. Cô biết tại sao không? Vì họ sợ tôi.” Thế là ông ấy bước đi với sự hả hê.

Tôi không chắc bạn hiểu được cái cảm giác của tôi lúc đó. Nhưng nó thật sự không hề dễ chịu chút nào. Cái cảm giác chỉ mới một vài tiếng trước đó tôi đã rất háo hức để thuyết trình và mong nhận về những lời góp ý hữu ích từ hai vị giáo sư lão làng. Ấy vậy mà những gì họ để lại trong tôi không thể tồi tệ hơn. Công bằng mà nói, tôi không buồn vì buổi thuyết trình thất bại nhưng tôi bị tổn thương nhiều vì thái độ khi đặt câu hỏi của hai vị giáo sư. Thái độ của họ làm tôi có cảm giác mình không đủ tốt, tôi cảm thấy tệ về bản thân. Tôi thấy mình trông thật thảm hại trước sự chứng kiến của rất nhiều người trong khoa. Tôi quay về nhà ngày hôm đó và khóc rất nhiều trên giường. Những ngày sau đó tâm trạng của tôi cũng không tốt hơn. Đó thật sự là một cú sốc rất lớn với tôi và nó lấy đi hết tất cả sự tự tin của tôi.

Những chuỗi ngày sau đó tôi luôn sống trong sự mặc cảm và thiếu tự tin. Tôi dường như mất hết niềm tin vào bản thân mình. Nếu biết trước được việc này sẽ ảnh hưởng tâm lý tôi nhiều đến như vậy, tôi đã không đăng ký thuyết trình ngày hôm đó. Người ta không làm một điều gì đó với một mục đích tốt chỉ để nhận lại một năng lượng xấu. Có thể tôi đã sai khi tham gia thuyết trình ngày hôm đó nhưng cái sai lớn nhất của tôi là đã cho phép bản thân mình tin rằng mình không đủ tốt. Cái suy nghĩ chết người đó mới là điều tồi tệ nhất.

Bạn không phải là người đẹp”, “Bạn không đủ giỏi, đủ tốt”, ‘’Bạn sẽ không bao giờ làm được điều gì nên hồn cả”…. Đây có lẽ là những điều tồi tệ nhất nếu bạn được nghe từ miệng của một ai đó khi họ nói về bạn. Nhưng khổ thay, bạn thường chọn tin vào những điều này và rồi dần đánh mất hết niềm tin vào bản thân. Tôi cũng đã từng như thế. Khi những sự thất bại đủ nhiều, tôi đã sai lầm khi chọn tin rằng: có lẽ ông giáo sư ấy nói đúng, có lẽ tôi thật sự không đủ giỏi để theo đuổi một nghiên cứu tiến sĩ. Tôi đã cảm thấy rất tệ về bản thân. Thật lòng mà nói, đã rất rất nhiều lần tôi có cái cảm giác này và tôi ghét cay ghét đắng nó.

Người ta thường hay hỏi một nghiên cứu sinh rằng: Khi nào thì bạn xong? Đây là một câu hỏi mà những nghiên cứu sinh thường rất muốn né vì nó là một câu hỏi áp lực nhất đối với họ. Làm nghiên cứu nó giống như bạn đi câu giữa đại dương mênh mông, việc khi nào mới bắt được một con cá luôn là một câu hỏi lớn và không phải lúc nào cũng có lời đáp. Tôi cũng từng bị hỏi câu này, không phải một mà rất nhiều lần. Nhiều đến nỗi tôi ghét nó kinh khủng. Nhưng hình như chưa ai hỏi tôi liệu rằng trong hành trình đó, có bao giờ tôi có ý nghĩ bỏ cuộc không?

Nếu bạn hỏi tôi rằng: Có bao giờ tôi muốn dừng lại trên hành trình tiến sĩ của mình không? Câu trả lời chân thật nhất vẫn là CÓ. Không phải một mà rất nhiều lần. Thật ra trước đây tôi chưa từng có ý nghĩ đó cho đến khi cái biến cố về cái buổi science barbecue chết tiệt đó xảy ra. Khi những áp lực đã đủ nhiều, niềm tin vào bản thân đã bị đánh mất và việc chọn tin vào những năng lượng tiêu cực đủ lâu, khi đó tôi đã muốn bỏ cuộc rất nhiều lần. Nói ra nghe có vẻ tiêu cực quá nhưng tôi muốn chia sẽ những trải nghiệm, những câu chuyện của mình theo cách thật nhất có thể. Thật ra cuộc sống nó vẫn luôn vận hành như thế. Không phải mọi thứ luôn luôn là màu hồng. Nó luôn có những góc khuất mà không phải dễ dàng để nói ra. Nó luôn có những ngày tồi tệ. Luôn có những biến cố mà có sức hủy hoại tinh thần kinh khủng.

Việc chọn chia sẽ thật nhất về những gì tôi đã trải qua đã là một sự can đảm của bản thân. Hay ít nhất tôi cho là như thế. Những điều mà tôi đang cố gắng nói với mọi người ở đây là nếu bạn đã từng cảm thấy tồi tệ về bản thân mình thì bạn không phải là người duy nhất rơi vào trạng thái này. Tôi cũng đã từng như bạn, đã từng trải qua những tháng ngày rất tồi tệ. Đã từng mất hết niềm tin vào bản thân. Đã từng tin vào những nhận xét tiêu cực mà người khác dành cho mình. Đã từng chới với trong những tháng ngày cố tìm lại chính mình. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng trầm cảm của tôi sau này. Cái giá của việc không tự tin vào bản thân là những vật lộn của nhiều năm tháng sau đó để có thể vực dậy tinh thần và định nghĩa lại chính mình.

Ngày tôi được công nhận là tiến sĩ, tôi đã nghĩ ngay đến ông giáo sư của Khoa Luật năm ấy, bây giờ thì ông ấy đã chuyển nơi công tác. Tôi đã rất muốn viết cho ông một email để thông báo cho ông hay rằng tôi đã làm được, rằng tôi đã trở thành tiến sĩ, để ông ấy có thể nhận ra cái SAI của mình vì đã đánh giá thấp năng lực của những người sinh viên quốc tế như tôi. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, hình như ông ấy chỉ SAI có một lần, còn tôi, tôi đã SAI trong ngần ấy năm chỉ vì đã không tin vào chính mình và luôn cảm thấy tệ về bản thân. Đó là một SAI LẦM chết người…

Thuynhoi Tran

22.08.2022

Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 4: Con Gấu Sô-Cô-La Và Chậu Xương Rồng)

Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 2: Chuyến Bay Đáng Nhớ, Một Cuộc Gọi Lạ Và Câu Chuyện Đổi Đề Tài)

Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 1: Một Khởi Đầu Đầy Khó Khăn)

50 Pence Đắt Giá Nhất

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.