Hãy Làm Ai Đó Mỉm Cười

Hôm nay tình cờ tôi có đọc được câu nói này: “Be the reason someone smiles today!” Tạm dịch là: “Hãy là lý do để ai đó cười ngày hôm nay.” Câu nói làm tôi nhớ về một vài mẩu chuyện nhỏ xảy ra khi tôi làm thêm ở một nhà hàng buffet vài năm về trước. Những mẩu chuyện dù rất đơn giản nhưng đã dạy cho tôi bài học về cách làm một người nào đó mỉm cười bằng những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ 3 mẩu chuyện nhỏ đến từ những người khách hàng đã làm tôi cười bằng những điều rất đơn giản.

Vị khách hàng tuổi teen

Cau_khach_hang_tuoi_teen

Câu chuyện đầu tiên mà tôi muốn kể là một khách hàng tuổi teen tầm 17 hay 18 tuổi, tôi đoán thế. Hôm ấy cậu ấy đi ăn cùng gia đình. Tôi nhớ đó là một buổi tiệc sinh nhật của ông nội cậu ấy. Họ đặt một bàn tiệc ăn tối với số lượng lớn cho cả gia đình. Tôi và một bạn nhân viên khác được phân công phục vụ bàn đó vì đây là một bàn lớn, lại là tiệc sinh nhật của người lớn tuổi nên nó có ý nghĩa rất nhiều đối với gia đình họ. Cơ bản thì khi làm việc ở nhà hàng buffet, tôi cũng không quá bận tâm về vấn đề phục vụ món ăn, vì khách hàng sẽ tự đi lấy món. Chúng tôi phần lớn là phục vụ đồ uống và dọn dẹp bát đĩa dơ.

Nhà hàng tôi làm cũng khá đông ngày hôm đó nên tôi rất tập trung phục vụ khách hàng. Tôi cũng không để ý đến sự hiện diện của anh chàng tuổi teen đó cho đến khi sự việc xảy ra sau đó. Thường thì người Anh khi đi ăn họ sẽ share tiền với nhau, hoặc nếu có người mời bạn đồ ăn thì bạn cũng phải chủ động thanh toán phần đồ uống của mình. Vì đây là buổi tiệc gia đình nên một thành viên trong số họ đứng ra thanh toán khoản đồ ăn cho cả bàn, phần đồ uống thì mỗi gia đình sẽ tự trả.

Sau khi buổi tiệc kết thúc, các gia đình đứng xếp hàng ở quầy bar để chờ đến lượt thanh toán tiền đồ uống của mình. Hôm đó nhà hàng rất đông nên khách hàng phải xếp một hàng dài chờ thanh toán. Để khách hàng không bị phiền lòng vì đứng chờ lâu nên tôi cũng đứng nói chuyện với họ vài câu trong khi các nhân viên ở quầy bar tranh thủ tính tiền cho khách. Tôi hỏi họ có hài lòng với đồ ăn và dịch vụ tối nay không? Đâu là món yêu thích nhất của họ?,… Đó là một trong những cách thức giao tiếp của nhà hàng để khách không cảm thấy khó chịu khi chờ lâu. Khi tôi bước đến một cậu tuổi teen, tôi thấy cậu ấy rất ngại ngùng. Cậu ấy cứ nhìn tôi rồi lại nhìn chỗ khác rồi lại nhìn tôi. Trên tay cậu ấy đang cầm một tờ giấy note. Tôi hỏi cậu:

– Bạn hài lòng với đồ ăn tối nay chứ?

Cậu ấy gật đầu nhưng không nói lời gì. Rồi có một cô bé tuổi teen khác đứng sau cậu ấy. Tôi đoán là em gái của cậu. Cô ấy cứ giục cậu ấy đưa cho tôi một thứ gì đó. Cô ấy nói:

– Đưa cho cô ấy đi! Đưa đi!

Cậu ấy quay sang nói với tôi:

– Tôi có thể đưa cho bạn thứ này được không?

– Là gì vậy? Tôi hỏi.

Cậu ấy vội đưa cho tôi tờ giấy cậu đang cầm trên tay và nói:

– Bạn có thể đọc nó sau giờ làm việc.

Rồi cậu vội vã tiến ra phía bên ngoài nhà hàng cùng đứa em gái và đứng chờ ba mẹ cậu. Tôi bỏ tờ giấy vào cái túi nhỏ bên trong cái tạp dề mà tôi đang mang. Vì khách hàng khá đông nên tôi cũng không để ý đến tờ giấy. Tôi tập trung dọn dẹp bàn tiệc với những nhân viên khác. Hôm đó là một ngày rất đông khách nên sau ca làm, đôi chân tôi mệt rã rời và tôi quên mất tờ giấy đó. Sáng hôm sau, tôi lấy quần áo ra giặt. Tôi có thói quen kiểm tra tất cả các túi quần, áo để xem còn gì trong đó không trước khi bỏ vào máy giặt. Thế là tôi tìm thấy tờ giấy trong cái túi của cái tạp dề. Tôi mở ra xem, các bạn có đoán được là gì không? Cậu ấy ghi tên của cậu, số điện thoại và kèm dòng chữ “Hãy gọi cho tôi! x”

Tôi thật sự đã bật lên cười khi tôi đọc tờ giấy ấy. Không thể tin nổi luôn! Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao lúc tôi gặp cậu khi cậu đứng xếp hàng, cậu lại ngại ngùng như thế và cái cách cậu vội vã bước đi sau khi đưa cho tôi tờ giấy. Tôi nhớ lại lúc đó và mỉm cười lần nữa. Sau đó, tôi bỏ tờ giấy vào thùng rác cạnh máy giặt.

Ngày hôm sau khi tôi đi làm nhà hàng, tôi đã kể cho một cô bạn đồng nghiệp nghe về câu chuyện. Cô ấy hỏi tôi:

– Vậy chị có gọi cho cậu ấy không?

– Không! Mặc dù cậu ấy đẹp trai nhưng tiếc là cậu ấy còn nhỏ quá, không phải gu của chị.

– Vậy bây giờ tờ giấy đó đâu rồi.

– Chị đã bỏ nó vào thùng rác rồi.

Cô ấy tiếc hùi hụi. Sao chị không cho em? Tôi lại bật cười lần nữa. Ôi! Thế mà tôi không nghĩ ra. Vì cậu ấy cũng cute, đẹp trai, khá cao nên biết đâu sẽ hợp với cô bạn này của tôi. Tôi phì cười! Lần sau nếu có, chị hứa sẽ đưa cho em chứ không bỏ thùng rác nữa.

Bà mẹ và hai đứa trẻ

Ba_Me_va_hai_dua_tre

Đó là một gia đình nhỏ với một bà mẹ và hai đứa trẻ, một đứa bé gái tầm 4 tuổi và một bé trai còn rất nhỏ. Họ bước vào nhà hàng dùng buổi trưa và tôi đã chọn cho họ một chiếc bàn tròn khá to để họ có thể ngồi ăn uống thoải mái. Vì bé trai còn nhỏ nên bà mẹ yêu cầu tôi mang cho cậu bé một cái ghế dành cho trẻ em (highchair). Ở đây, đa phần các nhà hàng đều có loại ghế này để các em nhỏ ngồi ăn cho thuận tiện. Ngoài ra, nhà hàng nơi tôi làm cũng thường in sẵn những bức tranh cỡ giấy A4 dành cho các bé tô màu và một số cây chì màu để tô. Đây là những thứ mà cha mẹ sẽ rất cần mỗi khi các em nhỏ khóc nhè hay không chịu hợp tác. Nhà hàng tôi làm quy định rằng mỗi khi thấy khách có dắt trẻ em theo thì nhân viên phải chủ động hỏi phụ huynh liệu họ có cần tranh tô màu và màu tô dành cho bé không. Điều này là một trong những nghệ thuật chăm sóc khách hàng khá hay mà tôi quan sát thấy ở đây.

Tôi thấy bà mẹ cứ loay hoay với hai đứa nhỏ. Đứa bé gái có vẻ chưa đói bụng nên cô bé không muốn ăn lúc đó trong khi cậu em trai thì rất tăng động và nói chuyện không ngừng dù đó chỉ là những tiếng bập bẹ. Vì tôi phục vụ bàn đó, nên sau khi tôi đã lấy order đồ uống của họ, tôi hỏi bà mẹ xem có cần tôi mang màu tô và tranh tô cho bé gái không vì tôi thấy cô bé có vẻ hơi khó chịu. Bà mẹ cảm ơn tôi vì điều đó. Thế là tôi mang ra cho cô bé. Bà mẹ cũng vừa lấy đồ ăn cho hai đứa trẻ và thỏa thuận với bé gái để bé có thể vừa ăn vừa tô màu.

Theo tôi quan sát cách chăm sóc con của người bản xứ, họ không đút con ăn như các bà mẹ Việt mà tôi vẫn thường thấy. Ở đây, họ để đứa bé tự ăn đồ ăn của mình bằng tay hoặc bằng nĩa dành cho em bé. Đó là cách họ giáo dục con về tính tự lập. Vì vậy các đứa bé thường học những kỹ năng sống khá sớm và cũng sớm tự lập khi còn rất nhỏ. Chúng có thể tự làm những việc cá nhân mà không cần cha mẹ giúp đỡ. Tất nhiên vì tự ăn nên thường đồ ăn sẽ vung vãi khắp nơi như trên bàn, trên sàn nhà, trên ghế ngồi.

Thường thì chúng tôi, những người phục vụ khách rất “ngán” những bàn có trẻ em vì nó rất bẩn và mất rất nhiều thời gian dọn dẹp sau khi họ rời đi. Tôi nhớ có lần chúng tôi dọn những bàn có các em nhỏ, đồ ăn văng đầy sàn nhà. Mà bọn nhỏ thường thích những đồ ăn ngọt, các món tráng miệng, nên sau khi dọn xong, chúng tôi phải lau lại sàn nhà thì mới sạch được. Có nhiều lần chúng tôi nhìn “bãi chiến trường” của các bé mà chỉ muốn đứng đó khóc. Nhất là những lúc đông khách.  

Bà mẹ hôm nay rất khác với các bà mẹ mà tôi từng gặp. Bà ấy rất gọn gàng. Mỗi lần con của bà làm rơi đồ ăn xuống sàn nhà, bà đều dùng khăn giấy nhặt lại những mảnh đồ ăn rơi và để vào một cái dĩa trên bàn. Vì tôi thấy bà ấy loay hoay nhặt đồ ăn rơi của con trong khi bà đang ăn nên tôi tiến lại gần bà và nói rằng chúng tôi sẽ dọn dẹp sau đó, bà không cần phải bận tâm. Bà ấy nói:

– Nhưng con tôi làm rơi nhiều đồ ăn quá, như thế thật là ngại.

– Không sao đâu! Trẻ em vẫn thường như thế mà! Bà cứ ăn đi. Việc dọn dẹp là việc của chúng tôi, bà không cần phải ngại gì cả!

Lúc đó tôi nhìn hai đứa trẻ, đứa bé trai thì mặt mày lắm lem với sô-cô-la đen, còn bé gái thì vừa nhai vừa cặm cụi tô màu. Tôi thỉnh thoảng đi ngang chỗ họ để kiểm tra xem họ ổn không hoặc cần giúp đỡ gì thêm không nhưng cơ bản tôi cũng hạn chế tới lui để họ thoải mái ăn uống với nhau.

Sau khi bà mẹ tính tiền bill, bà ấy tiến lại gần tôi và nói:

– Cô vui lòng dọn dẹp chỗ bàn đó dùm tôi. Tôi xin lỗi vì con tôi làm vung vãi đồ ăn, tôi rất ngại. Cảm ơn vì đồ ăn rất ngon, con gái tôi rất thích món chicken nuggets.

– Không sao đâu! Đó là công việc của tôi mà! Tôi rất vui vì các bé thích đồ ăn của chúng tôi.

Sau khi bà ấy rời đi, tôi tiến đến bàn ấy để dọn dẹp. Điều làm tôi khá ngạc nhiên là mặc dù bà ấy nói thế nhưng bà cũng đã nhặt đa phần đồ ăn rơi trên sàn nhà. Chỉ còn lại vài mảnh nhỏ thôi. Điều này làm cho việc dọn dẹp của tôi dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn rất nhiều. Ngoài ra, tôi còn nhìn thấy trên bàn đó một bức hình vẽ mà cô bé đã để lại. Cô bé vẽ một món ăn, tôi đoán đó là món chicken nuggets và dòng chữ nguệch ngoạc của cô bé: “I <3 Your Food. Thank you!” (“Tôi yêu đồ ăn của các bạn. Cảm ơn!”) Khi tôi đọc tờ giấy đó, tôi đã mỉm cười. Tôi cũng chia sẽ cho nhân viên khác cùng xem dòng chữ cảm ơn của cô bé. Khi gặp những khách hàng dễ thương như thế, mọi sự mệt mõi của chúng tôi như tan biến. Bạn biết không, những điều đơn giản như thế có thể làm tôi cảm thấy hạnh phúc cả ngày hôm đó.

Những đồng tiền tip

Nhung_dong_tien_tip

Đó là một ngày cuối tuần, tôi đi làm ở nhà hàng như bao ngày. Hôm đó tôi có lịch làm cả ngày nên tôi khá mệt, phần vì những ngày cuối tuần thường đông khách hơn những ngày khác. Thường thì đối với lịch làm cả ngày như thế, tôi sẽ được nghỉ giải lao giữa ngày tối thiểu là 30 phút. Hôm đó là một ngày thật tồi tệ. Nhà tôi có chuyện không vui xảy ra nên tôi đi làm mà tâm trạng rất tệ. Hôm đó khách lại đông kinh khủng nên tôi mệt lả người mà vẫn chưa được giải lao. Tôi nhớ ngày hôm đó tôi chịu trách nhiệm phục vụ khách ở khu vực đông nhất. Lúc đó có một vị khách hỏi tôi là ở đây nhân viên có được nhận tiền tip của khách hay không? Tôi bảo chúng tôi vẫn được nhận tiền tip theo tỷ lệ giờ làm.

Thường thì mỗi nhà hàng sẽ có những quy định khác nhau về khoản tiền tip. Có nhà hàng cho phép nhân viên nhận tiền tip trực tiếp từ khách. Có nhà hàng quy định tiền tip phải được gom lại và bỏ vào một tip box và chia ra đều nhau trên đầu người. Cũng có nơi quy định nhà hàng sẽ trích lại 20% tiền tip, nhân viên sẽ được chia nhau 80% còn lại. Nói chung mỗi nhà hàng quy định một kiểu. Nhà hàng tôi đang làm lúc đó cũng có chia tiền tip cho nhân viên nhưng sẽ chia theo tỷ lệ phần trăm giờ làm của họ trong một tuần. Tuy nhiên tất cả tiền tip của khách phải được bỏ vào tip box nơi quầy bar và nhân viên không được phép bỏ túi riêng cho dù khách có tặng riêng cho họ.

Nhà hàng của tôi làm cũng có quy định rằng khi phục vụ một bàn nào đó, việc đầu tiên mà mỗi nhân viên phải làm đó là giới thiệu cho khách biết tên của mình để khách có thể gọi mình khi cần. Khi tôi đang phục vụ bàn của vị khách đó (người hỏi tôi về tiền tip của nhân viên) thì tôi nghe thông báo từ bà quản lý nhà hàng rằng tôi được nghỉ giải lao. Lúc đó tôi bước đến gặp vị khách đó và nói với bà ấy rằng tôi sắp đi nghỉ giải lao giữa ngày nên tôi không tiếp tục phục vụ cho bàn của bà được. Nếu bà cần bất kỳ sự giúp đỡ nào, vui lòng gọi CJ (CJ là tên một nhân viên khác của nhà hàng). Thế là tôi bàn giao bàn ấy lại cho CJ trước khi tôi đi ăn.

Ở đây có một khu vực dành riêng cho nhân viên khi nghỉ giải lao hoặc ăn uống. Nhà hàng cũng cho phép nhân viên được ăn miễn phí các món ăn ở đây. Vì đây là nhà hàng buffet nên họ cũng rất thoải mái về khoản này. Tôi đi chọn món ăn và ngồi vào khu vực dành cho nhân viên cùng một đồng nghiệp khác từ nhà bếp. Trong khi chúng tôi vừa ăn vừa tám chuyện vui vẻ thì một hồi sau tôi nghe có người gọi tên mình. Đó là bà khách lúc nãy, chỗ cái bàn mà tôi phục vụ. Bà ấy nói xin lỗi tôi vì vào đây trong khi tôi đang ăn và đang giờ giải lao của mình. Bà ấy nói tiếp:

– Tôi muốn gửi cho cô vài đồng tiền tip vì cô đã phục vụ rất tận tình cho bàn của tôi. Con trai tôi rất thích món mà cô đã giới thiệu.

Rồi bà để lên bàn £3 tiền tip. Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì bà lại nhìn tôi và anh đồng nghiệp đang ở đó với tôi khi đó. Bà ấy nói tiếp:

– Tôi biết ở đây các nhân viên phải chia nhau tiền tip và không được nhận riêng nhưng cô yên tâm, tôi đã nói chuyện với bà quản lý của cô rồi và tôi cũng đã bỏ vào tip box ở quầy bar tiền tip cho nhà hàng rồi. Đây là tiền tip tôi muốn tặng riêng cho cô.

Thật lòng lúc đó tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi nói cảm ơn bà ấy. Bà ấy cũng rất lịch sự và nhanh chóng bước ra ngoài để tôi có thể tiếp tục bữa ăn còn dang dở của mình. Anh bạn trong nhà bếp cũng nhìn tôi ngạc nhiên. Anh ấy nói:

– Tao biết là mày rất tốt Water nhưng chưa bao giờ tao thấy khách hàng nào lại đích thân đi vào đây đưa tiền tip tận tay như vậy. Mày xứng đáng nhận được điều đó.

Lúc đó tôi cũng khá ngạc nhiên vì cách ứng xử của vị khách đó. Sau khi tôi ăn xong, tôi mang £3 tiền tip ra gặp bà quản lý và kể bà ấy nghe câu chuyện. Bà ấy nói:

– Tôi biết rồi. Bà khách ấy cứ hỏi tôi là Water đang ngồi ở đâu. Bà ấy muốn gặp trực tiếp cô.

– Tôi cũng khá ngạc nhiên khi bà ấy vào đấy tìm tôi.

– Tôi nghĩ là cô nên giữ £3 tiền tip đó đi vì bà ấy cũng đã tặng tiền tip cho nhà hàng rồi. Hãy giữ lại nó như một kỷ niệm đẹp.

Đó là một kỷ niệm rất đẹp với một trong số rất nhiều vị khách dễ thương ở đây. Sau này tôi còn biết được rằng bà khách ấy còn review tên tôi trang Facebook của nhà hàng.

Những việc làm của bạn dù là đơn giản nhất nhưng đôi khi nó lại mang đến một ý nghĩa to lớn với người khác. Bạn sẽ không biết được ngày hôm đó, họ có một ngày tồi tệ ra sao, nên với những cử chỉ dù nhỏ nhưng tinh tế của bạn có thể thay đổi một ngày tồi tệ của một người, làm nó trở nên có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

Những bài học mà tôi học được qua những công việc làm phục vụ ở nhà hàng còn rất nhiều. Trên đây chỉ là ba mẩu chuyện mà tôi nhớ rõ nhất. Sau này mỗi lần khi tôi đi ăn ở nhà hàng, tôi thường:

– Luôn nói câu làm ơn/ vui lòng (please) khi yêu cầu hoặc được người phục vụ nhà hàng giúp đỡ.

– Sau khi ăn xong, nếu tôi không vội đi ngay thì tôi thường gom dĩa, chén, đũa, của mình lại cho gọn gàng trước khi rời đi. Tất nhiên đó không phải là việc của tôi. Nếu tôi không làm thì người phục vụ cũng sẽ làm vì đó là việc của họ. Tuy nhiên nếu bạn làm thế, người phục vụ sẽ rất biết ơn bạn vì bạn đã tiết kiệm cho họ thời gian dọn dẹp. Hãy tưởng tượng bạn đang có một ngày tồi tệ, nhưng nếu bạn gặp những khách hàng dễ thương như thế, chắc chắn bạn sẽ rất biết ơn họ về điều đó.

– Tặng tiền tips khi đồ ăn hay dịch vụ của họ tốt, hoặc ít nhất là gửi một lời cảm ơn chân thành đến họ.

– Nếu đồ ăn ngon, tôi luôn gửi một lời khen đến nhà hàng và lời cảm ơn người đầu bếp và không quên nói với họ rằng tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè của mình về nhà hàng của họ và nếu có cơ hội tôi sẽ nhất định quay trở lại để ủng hộ họ.

Những câu nói, những hành động nhỏ của bạn sẽ không làm bạn mất thêm thời gian hay tiền bạc nhưng nó có thể sẽ mang lại niềm vui và tiếng cười cho một ai đó. Làm ai đó mỉm cười chỉ bằng một hành động nhỏ nhưng tinh tế. Vậy thì tại sao không?

Thuynhoi Tran

08.02.2021

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.