Police Powers of Arrest

Khi thực hiện chức năng phát hiện (detect) và điều tra (investigate) tội phạm (crime) của mình, cảnh sát có quyền bắt giữ (arrest) một ai đó ở bất kỳ nơi đâu nếu như cảnh sát có cơ sở hợp lý (reasonable grounds) để nghi ngờ (to suspect) rằng người đó có liên quan (involved) đến một tội phạm (a crime/ an offence) mà việc bắt giữ là cần thiết. Bài viết này cung cấp các thuật ngữ tiếng Anh pháp lý (legal English) về quyền bắt người của cảnh sát tại England & Wales.

1. Thủ tục bắt người của cảnh sát | The police arrest procedure

Khi thực hiện việc bắt người (carry out an arrest), cảnh sát phải làm những việc sau đây:

– Giới thiệu rằng họ là cảnh sát (identify himself/ herself as a police officer)

– Nói với nghi phạm (the suspect) rằng anh ấy/ cô ấy đang bị bắt (being arrested)

– Nói với nghi phạm rằng họ bị bắt vì bị nghi ngờ phạm tội gì (what offence the police think he/she has committed)

– Giải thích tại sao việc bắt giữ họ là cần thiết hay cơ sở để bắt người (reasonable grounds)

Ngoài ra, theo quy định tại Bộ Quy Tắc Hành Nghề của cảnh sát (the police Codes of Practice) thì khi bắt người, cảnh sát còn phải nói cho nghi phạm biết về quyền giữ im lặng của họ và những khả năng có thể xảy ra nếu họ chọn quyền giữ im lặng. Điều này trong tiếng Anh gọi là caution (police caution). Nội dung đầy đủ của caution như sau:

“Bạn không cần phải nói bất cứ điều gì, nhưng điều đó có thể gây tổn hại cho sự biện hộ của bạn nếu bạn không đề cập đến khi được hỏi điều gì đó mà sau này bạn có thể dựa vào nó khi ra tòa. Bất cứ điều gì bạn nói có thể được đưa vào làm bằng chứng.”

“You do not have to say anything, but it may harm your defence if you do not mention when questioned something you may later rely on in court. Anything you do say may be given in evidence.”

Theo quy định thì cảnh sát phải đọc caution này ngay khi bắt người (on arrest) hoặc sau đó sớm nhất có thể (as soon as practicable thereafter). Cảnh sát cũng sẽ phải lặp lại câu caution này trước khi họ thực hiện phỏng vấn nghi phạm (police interview) để nghi phạm được biết về quyền giữ im lặng của mình. Nếu cảnh sát không làm điều này (failure to do so) thì những lời thú tội (confession or admission) của nghi phạm vào thời điểm bị bắt (at the time of arrest) sẽ bị tòa án xem là không thể chấp nhận (inadmissible).  

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa caution (police caution) được nói ở trên và một thuật ngữ police caution khác (viết in nghiêng cho dễ phân biệt). Đây là hai khái niệm có thể giống nhau về tên gọi những mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Police caution là một bản ghi nhận chính thức về tội (a formal recording of guilt), được ban hành bởi nhân viên cảnh sát thay vì lời buộc tội (instead of a charge). Police caution là một cảnh cáo chính thức (an admonition / official warning) đối với những người thành niên (adults) thừa nhận (admit) rằng họ có tội (guilty) đối với những tội phạm không nghiêm trọng và phạm tội lần đầu (first-time minor offences) như là phá hoại những công trình di sản (vandalism) hay trộm cắp vặt (petty theft). Police caution trong trường hợp này nó không phải là một sự kết án (conviction) mà chỉ là lời cảnh báo chính thức lần đầu (a first official warning) và được xem như một cách ngăn chặn (deterrent) ai đó dính líu đến tội phạm. (Police caution sẽ được bàn luận kỹ hơn trong một bài viết khác).

Khi cảnh sát thực hiện bắt người nhưng không nhận được sự hợp tác (co-operation) của người bị bắt (arrestee), ví dụ như người này cố gắng trốn chạy (escape) hoặc trở nên bạo lực (violent), khi đó cảnh sát có thể sử dụng vũ lực hợp lý (reasonable force) để khống chế (control) họ. Người bị bắt có thể bị còng tay (handcuffed) để tránh việc chạy thoát (run off) và bị áp giải (escorted) lên xe cảnh sát. Khi một người bị bắt thì cảnh sát cũng có quyền khám xét (search) trên người của họ.

Một thuật ngữ cũng thường thấy khi đọc báo hay xem phim đó là police raid /dawn raid/ razzia dùng để chỉ cuộc bố ráp hay đột kích bất ngờ của cảnh sát để bắt ai đó. Trong những cuộc police raid thì cảnh sát thường trang bị vũ khí (armed police) với áo chống đạn (bulletproof vest), và mang theo súng (gun/ firearm). Trong các đa số các trường hợp bắt người, cảnh sát có thể mang cả chó nghiệp vụ (police dogs), dùi cui (baton) hoặc roi điện (police electric shock baton).

2. Bắt người sai luật | Unlawful arrest

Cảnh sát có thể bắt người khi có lệnh hoặc không có lệnh bắt (with or without an arrest warrant). Tuy nhiên, để xem xét việc bắt người là đúng luật (lawful) hay sai luật (unlawful) không dựa vào lệnh bắt mà dựa vào hoàn cảnh (circumstances) diễn ra quanh vụ bắt đó. Một vụ bắt người có thể là sai luật (unlawful) vì những lý do sau đây:

– Tội phạm đó không phải là tội có thể bị bắt (non-arrestable offence). Ví dụ chạy quá tốc độ (speeding).

– Cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức (excessive force) khi bắt người. Nếu cảnh sát sử dụng vũ lực hợp lý (reasonable force) khi bắt người thì đúng luật (lawful).

– Không có cơ sở hợp lý (no reasonable grounds) để bắt người.

– Nghi phạm (suspect) không được thông báo (not informed) về việc bị bắt ngay khi có thể (as soon as practicable).

– Nghi phạm không được thông báo về lý do họ bị bắt (reason for arrest) ngay khi có thể.

3. Lệnh bắt người | Arrest warrant

Lệnh bắt người là một lệnh pháp lý (legal order) được ban hành bởi tòa án (the court) cho phép cảnh sát bắt một ai đó liên quan đến tố tụng hình sự (criminal proceedings). Lệnh bắt phải được ban hành (issued) bởi một thẩm phán (a judge) hoặc một magistrate hay còn gọi là a justice of the peace (đối với tòa sơ thẩm – Magistrates’ court). (Các khái niệm này sẽ được phân tích sâu hơn trong một bài viết khác về các loại hình Tòa án ở Anh).

4. Bắt người không cần lệnh bắt | Summary arrest

Summary arrest nghĩa là bắt người mà không có lệnh bắt (without a warrant). Cảnh sát có thể thực hiện summary arrest đối với những tội phạm có thể bị bắt (arrestable offences) sau đây:

– Các tội mà hình phạt (sentence) được quy định cố định bởi luật (fixed by law).

– Các tội phạm mà hình phạt tối đa (a maximum sentence) là 5 năm tù hoặc cao hơn (imprisonment for 5 years or more).

– Các tội phạm được liệt kê (listed) trong Schedule 1A of PACE mà hình phạt có thể dưới 5 năm tù.

Ngoài ra cảnh sát cũng có thể bắt một ai đó nếu họ có nghi ngờ hợp lý (reasonably suspect) rằng người này sắp phạm một tội có thể bị bắt (about to commit an arrestable offence).

Một số tội phạm được liệt kê trong danh sách các tội phạm có thể bị bắt nghiêm trọng (serious arrestable offences) bao gồm: tội mưu phản (treason), tội giết người (murder), tội ngộ sát (manslaughter), hiếp dâm (rape), bắt cóc (kidnapping), loạn luân (incest), hoặc giao cấu với trẻ em gái dưới 13 tuổi (intercourse with a girl under 13), gây vụ nổ (explosion) có nguy cơ gây nguy hiểm (endanger) đến tính mạng hoặc tài sản, tội làm chết người (causing death) bằng việc lái xe nguy hiểm (dangerous driving), bắt làm con tin (hostage-taking), tra tấn (torture), các tội phạm liên quan đến ma túy (drug-related offences), chụp hình ảnh không đứng đắn (taking indecent photographs) của trẻ em, xuất bản văn hóa phẩm đồi trụy (publication of obscene matter), những tội gây nguy hại nghiêm trọng (serious harm) đến an ninh quốc gia (security of the State) hay trật tự xã hội (public order), etc.

Thuynhoi Tran

16.02.2021

Bạn có thể xem thêm các bài viết về Legal English tại đây

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.