Bà Giáo Sư

Tôi tình cờ biết bà trong một lần tôi phục vụ tại nhà hàng nơi mà tôi làm việc bán thời gian lúc tôi còn làm nghiên cứu sinh. Bà là một Giáo sư về hưu và đang bị ung thư nhưng cái cách mà bà nhìn cuộc sống nó không giống như những người khác. Đó là một góc nhìn đời rất khác và rất đặc biệt mà tôi may mắn học được từ bà. Bà là một người thú vị hơn rất nhiều so với mớ ngôn từ nghèo nàn của mình mà tôi khó có thể diễn tả hết được.


Hôm đó bà bước vào nhà hàng cùng với chồng vào một buổi tối của tháng 5 năm 2019. Đó là lần đầu tôi gặp bà. Thoạt nhìn qua rất khó để có thể biết được bà Wendy là một người bệnh ưng thư vì trông bà rất tươi tắn và khỏe mạnh. Tôi nhớ hôm đó bà tô màu son thật tươi, nó làm nổi bật gương mặt của bà. Bà cũng có thói quen đeo những chiếc vòng cổ nhiều màu sắc. Mãi đến những lần gặp bà sau này tôi mới rút ra được điều đó. Tôi nghĩ đó là một sở thích mang một nét rất riêng của bà.


Tối hôm đó tôi được giao nhiệm vụ phục vụ khách hàng thay vì làm pha chế ở quầy bar như mọi khi. Tôi tiến đến bàn của bà và chồng đang ngồi để lấy order, điều lạ là chỉ có mình chồng bà gọi món, còn bà thì chỉ gọi một ít blue cheese và một ít whole grain crackers. Tôi cũng khá ngạc nhiên vì bà ấy gọi món khá ít. Vì vậy tôi đã hỏi lại là liệu rằng còn điều gì họ cần nữa không, nhưng bà ấy ra hiệu không.


Khi đơn gọi món được in ra ở nhà bếp, ông chủ gọi tôi lại và hỏi để xác nhận rằng tôi không bỏ sót món nào khi nhập đơn vì tôi thỉnh thoảng vẫn hay bị quên như thế. Đó là những dấu hiệu tiền lão hóa, tôi vẫn hay nói vui như thế. Tôi giải thích với ông ấy là chỉ mỗi ông chồng gọi món chính thôi còn bà vợ thì chỉ gọi blue cheese và crackers. Ông chủ bảo tôi quay lại chỗ bà và đề nghị thêm một vài sự lựa chọn khác cho khách vì nhà hàng mình có nhiều loại phô mai. Chúng tôi vẫn thường giới thiệu đến những khách hàng mới của mình về sự kết hợp ba loại phô mai cùng với nhau để món ăn thêm vị. Thật lòng mà nói tôi là đứa chúa ghét những món có phô mai. Nhưng ở đây phô mai luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người châu Âu. Tương tự như thể một người Việt dù không ăn phở thì cũng phải ăn mì, hủ tiếu hay bánh canh.


Cái đặc biệt của cái nhà hàng này còn nằm ở chỗ là ông chủ rất giỏi tìm kiếm những món đặc sản của từng địa phương mà khó có nhà hàng nào có được. Giả dụ như những loại phô mai ở đây thì ông ấy cũng tìm nguồn cung từ những nhà cung cấp địa phương của vùng đó. Vì vậy nhà hàng luôn thu hút khách theo cái kiểu rất riêng, rất đặc biệt này. Đây cũng là lý do giữ tôi lại làm việc khá lâu ở đây vì cứ mỗi ngày tôi đều được học những cái hay ho từ cách điều hành, quản lý của ông chủ đến cái cách ông ấy chăm sóc khách hàng của mình. Những điều này khá thú vị mà tôi chưa bao giờ được học từ những nhà hàng khác mà tôi đã từng làm trước đây.


Tôi nghe lời ông chủ đi ra bàn của ông bà khách đó và hỏi xem liệu bà ấy có muốn gọi thêm món phô mai nào nữa không vì cơ bản nhà hàng của chúng tôi có rất nhiều loại. Bà ấy nhìn tôi và phản ứng rất mạnh. Bà đứng dậy, đi thẳng vào nhà bếp nơi có ông chủ cũng là đầu bếp của nhà hàng đang đứng ở đó. Rồi bà ấy làm một việc khiến tôi bị sốc ngay khi đó. Bà ấy kéo áo của bà xuống và quay sang nói với tôi:

– Tôi bị ung thư, tôi không ăn uống gì được. Cô xem này tất cả người tôi đều phải truyền đường ống để dẫn thức ăn vào. Tôi phải truyền đường ống 11 tiếng mỗi đêm. Tôi không ăn gì được cả, tôi chỉ muốn gọi một ít phô mai để ngồi hiện diện ở bữa tối với chồng tôi thôi vì tôi không ăn được. Tôi thật sự không cảm nhận được điều gì cả nên món phô mai nào thì cũng như nhau thôi.


Lúc đó tôi bị sốc nặng khi nhìn thấy hệ thống dây chằng chịt bên trong người bà. Tôi chưa bao giờ thấy điều tương tự như vậy trước đây. Khoảnh khắc đó tôi thật sự bị hoảng sợ trước khi tôi có thể trấn an lại bản thân. Như một phản xạ tự nhiên, tôi thốt lên:

– OMG! I am so sorry for you!


Lúc đó tôi nhìn ông chủ và ông ấy cũng lặng người khi nhìn thấy điều đó. Bà ấy thật can đảm! Lúc đó trong đầu tôi nghĩ thế. Tôi đã bớt sợ hơn khi nghe bà nói về bệnh ung thư của bà. Bác sĩ đã mổ bỏ hầu hết phần ruột của bà. Bà ấy nói rằng nhiều khi bà như người máy vì bà không còn cảm nhận được nữa các vị của đồ ăn hay thức uống. Đó là điều làm tôi cảm thấy rất cảm thương cho bà. Nhưng tôi đã SAI.


Đến lúc gọi món tráng miệng, tôi cũng đi đến chỗ bàn của ông bà để lấy order nhưng lần này tôi ý tứ hơn. Tôi tránh hỏi bà những câu mà tôi vẫn thường hỏi những người khách khác như là ‘quý vị dùng món có ngon miệng không’. Tất nhiên những câu hỏi như vậy sẽ trở nên rất vô duyên và thiếu tinh tế nếu bạn hỏi một người đang bị ung thư ruột như bà. Khi tôi bước đến chỗ bàn của bà để lấy đơn cho món tráng miệng, lúc này nhà hàng cũng không còn nhiều khách nên tôi có nhiều thời gian hơn để hỏi thăm bà. Có lẽ vì thấy tôi là người nước ngoài duy nhất làm việc ở đây nên bà ấy cũng chủ động bắt chuyện với tôi. Bà ấy hỏi tôi đến từ đâu và hiện đang làm gì ở cái đất nước này. Tôi nói tôi đến từ Việt Nam, một nơi rất xa nơi đây và tôi đang là một nghiên cứu sinh ngành luật. Bà ấy có vẻ hơi ngạc nhiên vì điều này. Nhưng với tôi thì tôi cũng đã khá quen với những phản ứng tương tự như thế.


Vì là một giáo sư nên bà cũng rất quan tâm đến các vấn đề về học thuật, nhất là các nghiên cứu khoa học. Bà ấy hỏi tôi đang nghiên cứu về đề tài gì. Tôi tóm sơ lược đề tài nghiên cứu của mình cho bà nghe và bà có vẻ rất hứng thú với nó. Hôm đó trước khi rời khỏi nhà hàng, bà ấy đưa cho tôi một tấm danh thiếp của bà và bảo tôi rằng hãy email cho bà nếu bất kỳ khi nào tôi cần thảo luận thêm về các vấn đề học thuật. Tôi đã để tấm danh thiếp ấy vào quyển nhật ký làm việc của mình và không quên kể với ông chủ nhà hàng rằng tôi vừa nhận được một tấm danh thiếp của vị giáo sư ấy.


Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về bà. Một người rất chăm chú lắng nghe khi tôi trình bày ý tưởng nghiên cứu của mình, điều mà những người khác không phải lúc nào cũng quan tâm. Bà là một người bị ung thư nhưng thần thái và sự tự tin của bà làm cho người đối diện quên mất điều đó. Có lẽ chính bản thân bà cũng không muốn biến hình ảnh của mình thành một kẻ đáng thương trong mắt của người khác. Cái năng lượng tỏa ra từ bà ấy làm cho tôi thay đổi cái cách nhìn rập khuôn mà bấy lâu nay tôi vẫn hay tưởng tượng ra khi nghĩ về một người bị bệnh ung thư.


Tôi bắt đầu thấy tò mò về bà sau buổi gặp đầu tiên. Thế là tôi tìm hiểu thêm các thông tin về bà trên Google. Qua đó tôi cũng được biết bà là tác giả của nhiều quyển sách về tâm lý học sức khỏe. Các nghiên cứu của bà cũng tập trung vào phụ nữ, điều này thì chúng tôi có điểm chung. Tôi cũng tình cờ tìm được một bài phỏng vấn của bà trên một trang web và đã rất kinh ngạc khi biết được những gì bà ấy đã trải qua. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi đọc những suy nghĩ tích cực của bà, một góc nhìn cuộc sống rất khác, rất lạc quan mà tôi không thể tin một người bị ung thư như bà có thể có những suy nghĩ tích cực như thế. Chưa gần một tháng sau khi bà ấy về hưu vào tháng 9 năm 2011, tức là cách đây 10 năm, bà ấy đã đi xét nghiệm sinh thiết để xem bà có bị ung thư không. Và năm năm sau đó bà bị ung thư thật. Bà bị ung thư ruột và phải cắt đi đa phần ruột của mình. Bà cho rằng việc trở thành một người bị khuyết tật là một trải nghiệm thật sự “bổ ích” vì nó giúp bà thu nhận thêm những kiến thức chuyên sâu hơn về đường ruột. Tôi cũng thích cái cách nói đùa rất lạc quan của bà rằng dù không ăn được nhưng bà vẫn có thể nấu ăn nên là bà không mất tất cả. Đó không phải là một thái độ sống quá lạc quan và tích cực hay sao? Thật khó để mong chờ một người bị bệnh ung thư như bà có được cách suy nghĩ ấy.


Một thời gian khá lâu sau đó tôi mới có dịp gặp lại bà ấy mặc dù từ danh thiếp bà ấy đưa cho tôi, tôi biết rằng bà cũng sống ở thị trấn Halifax và không quá xa nhà hàng nơi tôi làm. Cho đến một ngày bà quay lại nhà hàng cùng chồng và một cặp đôi khác. Tôi đoán họ là bạn bè của vợ chồng bà. Dường như hôm đấy họ có một cuộc hẹn đi ăn trưa cùng nhau. Lần này tôi cũng là người đến lấy order bàn của bà. Thật lòng mà nói ban đầu tôi đã không nhận ra bà vì hôm đó bà trang điểm rất đẹp. Bà trông rất khác và thậm chí tươi tắn hơn lần trước. Tuy nhiên có một điều vẫn không đổi đó là việc bà ấy có sở thích đeo các món phụ kiện đầy màu sắc trên cổ. Khi tôi bước đến bàn của bà, bà ấy đã chủ động hỏi thăm tôi. Bà ấy còn quay sang nói với bạn của bà rằng “cô ấy là một nghiên cứu sinh ngành luật và đề tài của cô ấy khá thú vị đấy!” Cặp vợ chồng đi cùng bà quay sang nhìn tôi cười thân thiện và có một chút hiếu kỳ. Người vợ quay sang nói với tôi:

– I bet you can’t wait to complete your thesis (Chắc cô không thể chờ đợi để hoàn thành luận án của mình đúng không?)

– You are right. It has been a long journey and I can’t wait to get it done! (Bà nói đúng. Hành trình này đã rất dài rồi và tôi không thể chờ lâu hơn để hoàn thành nó!)


Bữa trưa hôm đó cả bốn người nói chuyện vui vẻ cùng nhau. Tôi đoán có lẽ lâu rồi họ không gặp. Hai người bạn của bà trông họ cũng rất điềm đạm và lịch thiệp, qua cách nói chuyện tôi đoán họ cũng là những học giả. Lần này vì bận trò chuyện với bạn của mình nên bà ấy cũng không có nhiều thời gian nói chuyện với tôi. Phần vì hôm đó khách cũng khá đông nên tôi cũng không có cơ hội hỏi thăm bà. Tuy nhiên cũng giống như lần đầu, bà luôn trong trạng thái tươi tắn và yêu đời. Không có gì ở bà thể hiện ra bên ngoài là bà đang bị bệnh ung thư. Vì vậy tôi nghĩ tôi đã SAI khi đã vội thể hiện ra bên ngoài sự cảm thương của mình đối với một người bị bệnh như bà khi lần đầu nghe câu chuyện của bà. Vì thậm chí chính bản thân bà cũng chưa hề xem mình là một người bị bệnh.


Thông thường thì khi một người bị bệnh, họ thường có khuynh hướng muốn thu hút sự chú ý, sự quan tâm của người khác về mình. Vì vậy đôi khi những gì họ thể hiện ra bên ngoài càng khiến họ trông giống một bệnh nhân, một nạn nhân, một người đáng thương. Bà thì lại khác. Bà rất lạc quan và mạnh mẽ như thể bà không hề cần sự cảm thông hay thương hại của bất kỳ ai. Và như thể rằng “Làm ơn hãy đối xử với tôi như một người bình thường!’’.


Người ta thường đem sự thương cảm của mình chia sẽ cùng người khác khi nghe người đó nói về nỗi bất hạnh của họ trong cuộc sống nhất là những người bị bệnh ung thư, những người không biết được họ còn bao nhiêu thời gian để sống. Chúng ta thường mặc định và vẽ lên trong đầu hay gắn mác cho họ như là những người đáng thương, những nạn nhân, những bệnh nhân. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng hay phù hợp. Thậm chí ngay cả chính họ cũng không phải luôn luôn muốn trở thành những người đáng thương trong mắt người khác. Vậy thì chúng ta càng không có quyền biến họ thành những người đáng thương rồi cảm thông, rồi chia buồn sâu sắc. Điều này thật lố bịch và dư thừa. Khi bạn quan tâm một người nào đó không đúng cách thì sự quan tâm đó có khi lại trở thành một sự làm phiền.


Lần thứ ba tôi gặp bà cũng nhiều tháng sau đó cũng tại nhà hàng nơi tôi làm thêm. Tôi nhớ khi đó là tháng 11 năm 2019. Bà giáo sư khi đó có hỏi thăm tôi về tiến độ nghiên cứu của mình. Tôi nói với bà rằng tôi đang chuẩn bị ráo riết để kịp deadline, tôi sẽ phải nộp luận án vào đầu tháng 01 năm 2020 và rằng tôi đang bị áp lực rất nhiều. Tôi thật sự không biết tôi có thể vượt qua được không. Hôm đấy bà ấy bảo tôi hãy email cho bà để sắp xếp thời gian gặp nhau ở một quán cà phê nào đó. Vì hiện tại đang trong giờ làm việc của tôi ở nhà hàng nên bà cũng không tiện trao đổi nhiều hơn. Bà bảo rằng bà có thể sắp xếp thời gian gặp tôi nếu tôi thấy cần có một ai đó để nói chuyện.


Sau buổi gặp hôm đó tôi đã quyết định viết cho bà một email để mời bà và chồng uống cà phê. Trong email tôi gọi bà một cách trịnh trọng là Giáo sư Wendy Stainton-Rogers nhưng trong email phản hồi bà ấy nói rằng hãy gọi bà là Wendy, thay vì gọi Giáo sư trịnh trọng như thế. Lại một bài học nữa tôi học từ bà là sự khiêm tốn của một người có giáo dục cao. Sự khiêm tốn luôn là điều cần có trong cuộc sống ngay cả khi bạn đang ở một vị trí rất cao trong xã hội. Tuy nhiên, điều này có vẻ quá xa xỉ để hiểu đối với đại đa số.


Buổi hẹn ở quán cà phê chỉ có tôi và bà. Bà bảo chồng bà bận việc nên không đến được. Vì cuộc nói chuyện sẽ diễn ra giữa tôi và bà là chính nên sự vắng mặt của chồng bà cũng là một điều lịch sự dễ hiểu. Đó cũng là một cách ứng xử văn minh. Trước ngày hẹn, tôi cũng có chuẩn bị cho bà một món quà. Tôi đã định tặng cho bà một món gì đó từ Việt Nam nhưng vì ngày hẹn cận quá nên tôi không chuẩn bị được gì. Thế là tôi vẽ tặng bà một cái cây và làm các con bướm giấy. Tôi đính các con bướm giấy lên đó vì tôi biết bà thích màu sắc. Vả lại bướm cũng là loài sinh vật tượng trưng cho cái đẹp. Tôi đã không nghĩ đó là một ý kiến tồi.


Chúng tôi chọn ngồi ở một góc của quán cà phê. Việc đầu tiên bà ấy nói với tôi là hãy dạy cho bà cách phát âm đúng tên tiếng Việt của tôi. Tôi nói với bà rằng bà có thể gọi tôi là Water (tên tiếng Anh của tôi) nhưng bà vẫn một mực muốn gọi tên của tôi một cách đàng hoàng bằng tiếng Việt. Thế là tôi chỉ cho bà cách phát âm chữ Thủy. Có một điều thú vị ở đây mà tôi muốn chia sẽ đó là bà là người thứ hai từ trước đến nay muốn biết về cách phát âm tên của tôi trong tiếng Việt. Trước đó tôi cũng có một người bạn, anh ấy cũng không muốn gọi tôi là Water mà muốn đọc tên tôi bằng tiếng Việt. Anh ấy nói với tôi rằng:

Khoảnh khắc bạn hỏi tên một ai đó cũng chính là khoảnh khắc của một sự khởi đầu. Nếu kể cả việc đọc tên một người nào đó một cách đàng hoàng mà bạn không làm được thì làm sao bạn có thể mong chờ một sự khởi đầu tốt đẹp sau đó.

(Mark Tonkin)

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói đó nên mỗi khi tôi hỏi ai đó về tên của họ, tôi luôn cố gắng để không đọc sai tên. Tôi cho đó là một sự tôn trọng dành cho người đối diện.


Bà ấy cảm ơn tôi về món quà. Tôi hỏi bà thích uống gì để tôi gọi, bà ấy nói bà uống gì cũng được vì bà có cảm nhận được hương vị đâu. Thế là tôi gọi 2 ly hot-chocolate. Đây là thứ duy nhất ở đây tôi có thể uống vì tôi không uống được cà phê. Nó thường làm cho tôi mất ngủ thậm chí ngay cả khi tôi chỉ uống rất ít. Cuộc nói chuyện bắt đầu bằng một lời đề nghị của bà:

– Bây giờ cô hãy trình bày lại cho tôi nghe về đề tài nghiên cứu của cô đi để tôi xem nó có giống một đề tài tiến sĩ không.


Tôi khá ngạc nhiên khi nghe bà nói như thế vì tôi đang đi đến giai đoạn gần nộp luận án của mình. Điều này có nghĩa là đây chắc chắn là một đề tài tiến sĩ rồi. Khoảnh khắc đó tôi tự hỏi sao bà lại có thể có những suy nghĩ nghi ngờ về nó như thế được. Điều này làm cho tôi cảm thấy hoang mang và khó hiểu, một điều đáng lẽ không nên xảy ra với tôi vào những lúc như thế.


Thật ra bà ấy hỏi tôi như thế vì bà có lý do riêng. Rồi bà kể cho tôi nghe về hành trình mất 14 năm để chinh phục cái học vị tiến sĩ của bà. Đó là một hành trình gian nan rất nhiều lần so với hành trình của tôi. Nghiên cứu tiến sĩ đầu tiên của bà thất bại ngay cái ngày bà ra bảo vệ. Một phần vì người hướng dẫn bà đã không thể hướng dẫn bà đến cùng. Bà đã phải một mình với cái nghiên cứu của mình mà không có người hướng dẫn trong nửa thời gian còn lại của chặng đường. Ngày bà ra bảo vệ luận án, giám khảo nói với bà rằng họ không cho đây là một nghiên cứu tiến sĩ. Thế là bà thất bại đau đớn sau 7 năm ròng rã làm nghiên cứu của mình.


Thật ra, cái thời khắc bảo vệ luận án là giây phút rất khó tả. Nó giống như cột mốc đánh dấu một bước ngoặc mới, mở ra một trang mới cho hành trình nghiên cứu của bạn. Hoặc là cuộc đời của bạn bế tắc sau đó, hoặc là nó sẽ nở hoa. Tất cả đều phụ thuộc vào cái thời khắc quyết định ấy. Tôi cứ nhớ mãi cái giây phút tôi ngồi chờ kết quả bảo vệ, lúc đó trong đầu tôi trống rỗng, không còn nghĩ được gì nữa vì trước đó tôi đã dành hơn 2 tiếng đồng hồ dài dồn hết sức lực để bảo vệ luận án của mình. Mọi thứ sau đó đều nằm ngoài tầm kiểm soát vì lúc này người quyết định kết quả là giám khảo chứ không phải là bạn nữa. Dù bà không nói nhiều về nó nhưng tôi cũng có thể đoán được lúc ấy bà có thể đã cảm thấy sụp đổ và thất vọng ra sao. Nhưng không bỏ cuộc, bà lại tiếp tục giấc mơ chinh phục nghiên cứu tiến sĩ một lần nữa bằng một chặng đường 7 năm tiếp theo sau đó, bà làm PhD part-time và lần này đề tài của bà cũng thay đổi. Đó là lý do bà muốn nghe tôi nói về đề tài của tôi để xem nó có đủ tầm cho một nghiên cứu tiến sĩ hay không.


Câu hỏi thứ hai mà bà hỏi tôi là ai là người hướng dẫn luận án của tôi. Tôi nói với bà đó là Tiến sĩ George Ndi. Bà ấy hỏi tôi:

– Ông ấy không phải người ở đây đúng không vì tôi thấy họ của ông ấy rất lạ.

– Ông ấy đến từ Cameroon. Ông là người đã hướng dẫn tôi từ lúc tôi làm luận văn thạc sĩ, và may mắn thay tôi lại tiếp tục được ông hướng dẫn lần này.

– Thế thì vấn đề cô đang gặp phải hiện nay là gì? Điều gì làm cho cô cảm thấy bị áp lực?

– Tôi bị áp lực về thời gian. Tôi đã không quản lý tốt thời gian trong năm cuối này vì tôi mãi đi làm. Bây giờ tôi đang chạy đua với thời gian và tôi không dám chắc tôi có thể hoàn thành luận án kịp tiến độ. Tôi thật sự rất sợ hãi.

– Cô có muốn tôi đọc luận án của cô trước khi cô nộp không? Tôi có thể đọc và cho cô ý kiến liệu nó có phải là một luận án theo tiêu chuẩn hay không, cũng như khả năng thành công nếu ra bảo vệ. Nhưng cô cần hỏi ý kiến của người hướng dẫn của cô trước. Nếu ông ý đồng ý thì cô hãy đưa cho tôi đọc. Đây là cách cô thể hiện sự tôn trọng của cô với người hướng dẫn mình.


Tôi thật sự nể phục bà với cách ứng xử không thể nào hợp lý hơn. Tôi nói với bà để tôi hỏi ý kiến của Thầy tôi rồi tôi sẽ cho bà hay. Thật ra khi hẹn gặp bà ở đây, tôi không có ý định muốn bà đọc hay chỉnh sửa luận án dùm mình. Tôi biết bà có thiện ý giúp tôi nhưng đó không phải là điều tôi mong muốn lúc này. Cái tôi cần chỉ là một người có thể hiểu được những áp lực hiện tại mà tôi đang trải qua và có thể cho tôi những lời khuyên hữu ích nhất, vì ít ra bà là người đi trước và đã có nhiều trải nghiệm hơn tôi. Rồi bà quay sang hỏi tôi:

– Cô có thường nói về quyền lực (power) không?

– Tôi thấy quyền lực cũng là một đề tài khá thú vị để nói về nó. Tuy tôi không thường nói về quyền lực nhưng trong nghiên cứu của tôi thì tôi có đề cập đến việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc hôn nhân xuyên biên giới.


Rồi bà ấy nói với tôi những điều rất thú vị mà tôi chưa từng được nghe ai nói trước đây. Bà cũng là một feminist và bà luôn ủng hộ nữ quyền. Bà nói với tôi ở thời của bà, phụ nữ không thật sự có tiếng nói và quyền lợi ngang bằng như nam. Sự không được coi trọng càng làm bà muốn làm một cái gì đó để phụ nữ có tiếng nói hơn. Ít ra là không bị đối xử bất công. Có một câu nói của bà làm tôi nhớ mãi đến tận về sau:

Khi cô chưa đạt được học vị tiến sĩ, người ta sẽ gọi chức danh (title) của cô dựa vào tình trạng hôn nhân của cô như là Miss hay Mrs. Nhưng khi cô đã trở thành tiến sĩ rồi thì không ai quan tâm đến tình trạng hôn nhân của mình nữa vì lúc đó họ phải gọi cô là Dr. Sự chuyển mình này tôi gọi đó là quyền lực (power).

Pro. Wendy Stainton-Rogers


Tôi thật sự rất tâm đắc với những gì bà ấy chia sẽ. Một góc nhìn rất khác biệt về quyền lực và sức mạnh của tri thức. Rõ ràng là You do not study PhD to be called Miss or Mrs, do you? Bà còn kể cho tôi nghe một câu chuyện vui. Có một lần bà nhận được một cuộc điện thoại gọi đến vào số điện thoại bàn ở nhà. Khi nhấc máy lên, đầu dây bên kia nói rằng:

– Hello, Can I speak to Professor Rogers please? (Vui lòng cho tôi nói chuyện với Giáo sư Rogers)

– Yes, It’s me. I am speaking. (Là tôi đây, tôi đang nói đây)

– I am sory, I meant I would like to talk to your husband, Professor Rogers please! (Xin lỗi, ý tôi là tôi muốn nói chuyện với Giáo sư Rogers, chồng của bà)

– In this house, the only Professor is me. I am Professor Rogers. (Trong nhà này chỉ mình tôi là giáo sư thôi. Và tôi là giáo sư Rogers.)

– Oh, I do apologise Professor Rogers. I thought Professor Rogers is your husband (Tôi rất lấy làm xin lỗi bà giáo sư! Tôi cứ nghĩ Giáo sư Rogers là chồng của bà)


Tôi cần giải thích rõ hơn ở điểm này. Ở bên đây khi bạn xưng hô với một giáo sư hay tiến sĩ bạn cần gọi danh xưng (title) của họ cộng với họ (surname) của người đó. Một điều đặc biệt nữa là phụ nữ thường sẽ thay họ của mình theo họ của chồng sau khi kết hôn. Vì vậy người gọi điện thoại đến cứ nghĩ rằng sẽ được nói chuyện với ông giáo sư Rogers và không nghĩ rằng họ đang nói chuyện với bà giáo sư Rogers. Bà ấy nói với tôi rằng rất nhiều người mỗi khi gọi điện đến nhà của bà họ cứ luôn mặc định rằng giáo sư Rogers là một người đàn ông (là chồng của bà) chứ họ không nghĩ rằng đó là một người phụ nữ (người vợ). Bà ấy nói đây là một ví dụ rất nhỏ cho thấy sự không bình đẳng trong cách nhìn của xã hội về quyền lực (power) của người phụ nữ.


Những câu chuyện diễn ra tiếp theo trong cuộc gặp mặt đó làm tôi đi từ bất ngờ này đến cái thú vị khác. Ban đầu tôi cứ nghĩ khi gặp bà tôi sẽ là người nói nhiều hơn, chia sẽ nhiều hơn và bà sẽ là người nghe và đưa lời khuyên cho tôi. Nhưng mọi thứ lại diễn ra hoàn toàn ngược lại. Hôm đó tôi là người lắng nghe bà nói, bà kể cho tôi rất nhiều câu chuyện về cuộc đời, về những gì bà đã trải nghiệm. Bà cũng nói với tôi rằng vì là một nhà tâm lý học nên bà ấy cũng có thể đoán biết được người khác đang nghĩ gì thông qua cử chỉ của họ. Tôi cứ bị thu hút vào những câu chuyện của bà và quên mất những áp lực trước mắt mình. Tôi đã rất biết ơn bà về cuộc nói chuyện hôm đó. Nó đã thay đổi tôi rất nhiều điều, nhất là những góc nhìn về cuộc sống ở một lăng kính rất khác mà trước đây tôi chưa từng đứng ở góc độ đó. Tôi gọi đó là một cuộc nói chuyện chất lượng. Trước khi chia tay, bà cũng không quên nhắc tôi hỏi ý kiến của Thầy hướng dẫn về việc đưa luận án cho bà đọc.


Sau ngày đó, tôi có đến gặp Thầy hướng dẫn. Tôi kể cho Thầy nghe về cuộc nói chuyện giữa tôi với bà giáo sư ấy nhưng tôi đã không đề cập điều gì đến việc tôi sẽ đưa luận án cho bà đọc. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều đó và tôi quyết định không làm như thế. Việc đưa luận án cho người khác đọc trong khi người hướng dẫn lại là một người khác cũng là một cách ứng xử không tế nhị vì nó có thể làm tổn thương lòng tự trọng của người đang hướng dẫn bạn. Một người Thầy hướng dẫn tận tâm thì không nên bị đối xử như thế. Mãi đến tận bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn cho đó là một quyết định đúng đắn của mình.


Hơn một năm sau đó, ngày mà tôi chính thức được công nhận là tiến sĩ, tôi có gửi một email cho bà để thông báo cho bà biết. Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến bà về cuộc nói chuyện ý nghĩa đó. Bà đã rất vui khi nghe tin của tôi nhưng vì lockdown nên tôi và bà cũng chưa có dịp gặp lại nhau. Bà ấy có hướng dẫn tôi cách đi đến nhà bà và chúng tôi có thể gặp nhau ở sân vườn nhà bà nếu tôi muốn. Nhưng tôi đã nghĩ đến sức khỏe và sự an toàn cho bà nên tôi đã không làm thế.


Người ta thường nói mỗi người ta gặp trong cuộc đời đều mang đến một ý nghĩa nhất định nào đó cho sự xuất hiện của họ. Tôi không lý giải được cái duyên gì đã cho tôi được gặp bà, một người giáo sư về hưu bị mắc căn bệnh ung thư nhưng những giá trị mà bà mang đến cho tôi nó nhiều hơn như thế rất nhiều lần. Tôi đã may mắn có được một cuộc nói chuyện thú vị với bà và nó đã làm thay đổi tư duy của tôi rất nhiều. Có ba bài học mà tôi đã rút ra được từ người phụ nữ nghị lực này. Đó là:

  • Không phải người bị ung thư nào cũng muốn biến mình thành kẻ đáng thương trong con mắt của người khác vì vậy chúng ta hãy nên tôn trọng sự bình thường của họ và hãy đối xử với họ bình đẳng như những người bình thường khác thay vì tỏ ra thương cảm một cách thái quá.
  • Khi suy nghĩ tích cực vượt lên trên mọi bệnh tật, những thứ còn lại không còn là vấn đề nữa.
  • Mọi sự thất bại đều có thể bắt đầu lại, kể cả khi nó có thể phải mất một hành trình dài, thậm chí là rất dài, miễn sao bạn không chọn bỏ cuộc.


Cái câu nói cuối cùng mà tôi luôn nhớ về bà đó là: Khi bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, một là bạn chọn bỏ cuộc, hai là bạn chọn chiến đấu sống còn với nó. Bà ấy đã chọn chiến đấu. Còn bạn thì sao? Give up or bloody-minded???


Thuynhoi Tran
17.9.2021

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.

2 COMMENTS

  1. Bé Chu | 8th Nov 21

    Hay quá! Khi nào em thấy căng thẳng hay chới với, em lại tìm đến blog của chị, thấy nhiều điều để học hỏi mà còn yên bình nữa chứ!

    • Thuy Tran | 11th Nov 21

      Hy vọng em vẫn tìm đến Blog này kể cả khi không bị căng thẳng hay chới với nha kakaka. Những gì chị chia sẽ trên Blog đều là những bài học cuộc sống đã giúp chị trưởng thành hơn sau ngần ấy năm qua.

Leave A Comment