Người Tù Nhân Đang Yêu

Đó là một trong những người khách hàng rất đặc biệt mà tôi không thể nào quên được. Ông ấy là một người tù nhân đang yêu. Tôi gặp ông trong một dịp rất éo le, tại một nhà tù nơi ông đang bị giam giữ để chờ ngày ra toà về một tội danh nghiêm trọng. Lần đầu tôi phiên dịch cho ông cũng là lần đầu tiên tôi đi phiên dịch trong nhà tù. Cái cảm giác lúc đó rất khó tả vì đây là lần trải nghiệm đầu tiên của tôi ở một nơi đặc thù như thế này. Nhưng việc ông ấy trở nên đặc biệt với tôi không chỉ vì những điều như thế.

Ngày 21 tháng 5 năm 2018

Như những lần đi dịch khác, tôi luôn chọn đến nơi sớm hơn so với lịch hẹn, nhất là đối với các buổi phiên dịch mà địa điểm dịch tôi chưa từng đến trước đây. Hôm đó tôi đến sớm hơn lịch hẹn tầm 20 phút. Tôi đi thẳng vào khu vực kiểm tra an ninh của nhà tù. Một anh chàng nhân viên cao to hướng dẫn cho tôi đi đến khu vực để đồ, nơi mà tôi sẽ phải sign in và được booked in từ nhân viên tại đó. Tất cả những người vào thăm tù nhân kể cả người thân, luật sư và phiên dịch của luật sư phải gửi đồ ở khu vực đó.

Khu vực để đồ là một nơi nằm tách riêng biệt với nhà tù. Ở đây có quầy tiếp tân và nhân viên ở đây sẽ kiểm tra thẻ ID của từng khách viếng thăm (visitor) trước khi họ cho bạn một chiếc chìa khoá để bạn có thể để đồ dùng cá nhân vào một trong những hộc tủ đựng đồ. Về cơ bản, tôi phải để lại đa phần các đồ dùng cá nhân ở đây bao gồm áo khoác, điện thoại, những vật dụng bằng kim loại, chất lỏng, đồng hồ, khăn choàng, găng tay, … Tôi chỉ mang theo duy nhất bên mình một quyển sổ tay để ghi chép, một cây viết, thẻ ID và chiếc chìa khoá tủ để đồ của mình.

Sau khi để đồ đạc cá nhân ở khu để đồ dành cho người viếng thăm, tôi quay lại phía nhà tù, nơi mà tôi sẽ phải check in và được kiểm tra an ninh trước khi vào bên trong. Tôi ngồi chỗ hàng ghế ngồi chờ ở khu vực an ninh như được hướng dẫn vì luật sư của tôi chưa đến. Luật sư hôm nay là một người gốc Châu Á nhưng anh ấy sinh ra ở đây. Anh ấy có vẻ lạnh lùng và hơi khó gần. Nhưng với tôi điều này cũng dễ hiểu. Những người học luật thường bị gắn mác là những kẻ lạnh lùng và khó gần. Nhất là một luật sư về hình sự thì càng lạnh lùng hơn. Tôi nói với anh ấy hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi dịch trong nhà tù nên tôi có hơi hồi hộp. Anh ấy bảo tôi đừng quá lo lắng. Chúng tôi chỉ chào xã giao và không nói chuyện với nhau nhiều vì mặt đứa nào cũng lạnh lùng như cục nước đá.

Chúng tôi cùng đi vào khu vực kiểm tra an ninh. Tôi để anh ấy đi trước, tôi đi phía sau vì tôi muốn quan sát những gì anh ấy làm để làm theo. Chúng tôi cần để hết những đồ mang theo bên người vào một cái khay đựng đồ. Tất cả hồ sơ của luật sư và laptop được quét an ninh rất cẩn thận. Quyển sổ tay của tôi cũng được kiểm tra rất kỹ. Người nhân viên an ninh mở ra từng trang để xem có gì bên trong hay không. Ở đây có nhiều trường hợp người bên ngoài vào nhà tù để bán ma túy cho tù nhân, vì vậy bất kỳ vật dụng nào được mang vào đây đều được kiểm tra rất nghiêm ngặt. Sau khi để đồ vào khay, chúng tôi phải trình thẻ ID ra để nhân viên an ninh ghi xuống vào một quyển sổ lưu thông tin. Sau đó từng người một phải đi ngang một cổng an ninh, nơi mà sẽ có một máy quét quét ngang cơ thể mỗi người. Sau đó một nhân viên an ninh khác sẽ hướng dẫn mỗi người khách (visitor) ngồi lên một cái ghế mà ở đó họ sẽ khám xét trên cơ thể bạn một lần nữa để xem có bất kỳ đồ vật nào trên người hay không.

Sau khi kiểm tra an ninh xong, chúng tôi được phép lấy lại những đồ đạc trong khay và đứng chờ cho đến khi có một nhân viên khác dẫn chúng tôi vào khu vực phòng thăm tù nhân. Đó là một nhân viên khác, người này chuyên giữ các chìa khoá để mở cửa khi đi ngang mỗi khu vực. An ninh ở đây rất nghiêm ngặt, cứ mỗi cánh cửa mà chúng tôi đi qua đều được khoá lại cẩn thận trước khi chúng tôi đi sang một cánh cửa khác. Toàn khu vực nhà tù cũng được xây dựng và che chắn rất kín đáo, toàn những bức tường và bờ tường. Nhưng có một điều làm tôi thấy thích thú là bên trong của khu vực nhà tù có một sân vườn nhỏ, nơi mà chúng tôi băng qua từ khu vực an ninh sang khu vực dành cho phòng thăm tù nhân. Khoảng sân vườn không quá rộng nhưng ở đây họ trồng những thảm hoa đầy màu sắc tạo hình trái tim, trong rất rực rỡ và bắt mắt. Nó làm dịu đi cái cảm giác lo lắng của tôi ban đầu. 

Chúng tôi đã đến khu vực phòng thăm dành cho tù nhân và khách viếng. Ở đây khu vực này được chia thành những phòng nhỏ nằm kề nhau. Có hai dãy các phòng thăm như thế và một khu vực check in. Trong mỗi phòng thăm, tù nhân luôn được yêu cầu ngồi quay mặt vào trong vì vậy khi đi ngang từng phòng, tôi chỉ thấy phần lưng của họ. Ở đây nhân viên check in sẽ cho bạn biết phòng thăm của bạn là phòng số mấy. Luật sư và phiên dịch vào phòng trước khi một nhân viên dẫn người tù nhân vào sau. Mỗi tù nhân khi được bước ra gặp người thân hoặc gặp luật sư của họ đều được quét an ninh, sau đó họ cần phải mặt vào một bộ đồ màu xanh dương để phân biệt giữa tù nhân đang trong thời gian thăm viếng và tù nhân đang đứng chờ người vào thăm.

Người tù nhân hôm nay là một người đàn ông tuổi trung niên. Ông ấy trong rất hốc hác và gương mặt đầy lo âu. Tôi đoán ông ấy có thể đã bị mất ngủ mấy đêm nay. Ông ấy chào chúng tôi với giọng nói rung rung, thiếu tự tin và có vẻ lo sợ. Như một thủ tục quen thuộc, chúng tôi giới thiệu về bản thân để ông ấy biết chúng tôi là ai và mục đích của cuộc gặp mặt hôm nay là để luật sư lấy lời khai của ông. Anh chàng luật sư có vẻ lạnh lùng như cảm nhận của tôi lúc đầu dần trở nên có tình người hơn. Tôi cảm nhận được anh ấy là người có trách nhiệm và quan tâm đến khách hàng của mình. Đây không phải là lần đầu anh ấy gặp người khách hàng này. Trước đó có một người phiên dịch khác đã từng dịch cho anh. Tuy nhiên hôm nay người phiên dịch đó bận nên anh ấy phải tìm một người khác, đó là tôi. Anh ấy giải thích cho người tù nhân biết về những quyền lợi của ông ấy khi ở trong tù cũng như luôn nhắc đi nhắc lại câu nói: – Tôi đến đây là để giúp đỡ cho ông, vì quyền lợi của ông nên ông không phải lo sợ tôi. Tôi chỉ cần ông hợp tác với tôi để tôi có thể giúp ông tốt nhất.

Người tù nhân đó ban đầu có vẻ sợ sệt và dè chừng, dần dần cũng cảm thấy thoải mái hơn để trả lời các câu hỏi của luật sư. Tôi cũng cố gắng tạo cảm giác thân thiện để ông ấy cảm thấy thoải mái nhất có thể bởi vì tôi ý thức rõ một điều rằng công việc của tôi đến đây để phiên dịch cho họ, không phải để đánh giá, chỉ trích, phán xét hay kỳ thị họ, những điều mà không ít những người phiên dịch khác vẫn thường làm. Tôi vẫn thường nghe những người khách hàng khác của mình phàn nàn không ít lần về những người phiên dịch ở đây. Nhiều người đôi lúc quên mất vai trò của họ chỉ là phiên dịch viên, không phải là điều tra viên hay cảnh sát. Với tôi, mỗi con người trước khi bị kết tội đều đáng được tôn trọng nhân quyền như những người bình thường. Ngay cả khi họ đã bị kết tội thì về góc độ của một người phiên dịch, tôi cũng không ở một vị trí của một người có thể phán xét hành vi của người khác.

Quay lại người tù nhân hôm nay, thỉnh thoảng ông ấy nhìn qua tôi và bắt chuyện với tôi với những câu hỏi bên lề như là: – Cháu là người miền Nam à? Tôi nói với ông tôi không được phép trao đổi riêng với ông vì công việc của tôi đến đây là để phiên dịch và chỉ phiên dịch thôi. Ông ấy cũng gật gật đầu xin lỗi tôi hai ba lần. Sau buổi gặp đầu tiên tôi không thật sự có nhiều ấn tượng về ông ngoại trừ dáng vẻ hơi tiều tụy của ông và một điều tôi vẫn thấy khó hiểu là ông ấy luôn nhắc đến một người phụ nữ tên H và luôn hỏi thăm luật sư về sức khoẻ của bà ấy. Người phụ nữ này cũng bị bắt cùng một lúc với ông trong cùng một vụ án nhưng bị giam ở một nơi khác. Có nhiều lần luật sư phải nhắc nhở ông là ông nên tập trung vào câu chuyện của mình thay vì cứ hỏi về người phụ nữ đó.

Những lần gặp mặt sau đó giữa tôi, luật sư cùng ông ấy diễn ra bình thường như lần đầu. Luật sư đào sâu hơn về câu chuyện và nguyên nhân dẫn đến việc ông bị bắt và rồi bị buộc tôi. Điều làm tôi càng chú ý về ông nhiều hơn là việc ông luôn khẳng định ông ấy không có phạm tội như cảnh sát đã cáo buộc nhưng ông ấy không giải thích dài dòng hay cố gắng biện minh cho bản thân như những người bị bắt khác mà tôi hay thấy trên phim. Ông ấy rất trầm tĩnh và các câu trả lời của ông có vẻ thống nhất trước sau. Hay ít ra là tôi cảm thấy như thế. Tôi luôn có cảm giác ông ấy không quan tâm nhiều về việc ông ấy sắp bị xét xử mà ông ấy quan tâm về cô H nhiều hơn. Chỉ có một lần duy nhất ông ấy hỏi luật sư về vụ án của mình là với tội danh của ông thì ông có thể bị ở tù bao lâu. Ông ấy nói không phải vì ông ấy lo sợ cho mình mà vì ông ấy sợ rằng nếu ở tù lâu quá thì sẽ không có ai chăm sóc cho bà H. Có một lần khi luật sư (và cả tôi) rất tò mò về việc ông ấy quan tâm quá nhiều đến cô H, luật sư hỏi ông về mối quan hệ thật sự của ông và người phụ nữ đó. Ông ấy giải thích thêm rằng:

– Tôi không có gì cả! Tôi không còn gì cả! Tôi có một người con trai, cũng sang Anh với tôi nhưng con tôi vừa qua đời năm trước vì bị bệnh. Tôi cũng không có giấy tờ ở đây. Tôi ở đây bất hợp pháp bao năm qua, như luật sư đã biết, và bây giờ tôi lại bị buộc tội nghiêm trọng. Tôi không cảm thấy có hy vọng gì về tương lai của mình nữa. Điều duy nhất tôi quan tâm hiện giờ là sức khỏe của bà ấy thôi.

Ông nói ông cũng không mong có thể được tại ngoại vì với một người nhập cư bất hợp pháp như ông, họ có thể trục xuất ông về nước bất kỳ khi nào. Cái mà ông quan tâm nhiều nhất là sức khoẻ của cô H và liệu cô ấy có ổn không. Ông ấy nói với luật sư cô H có tiền sử bị kinh phong, cô ấy có nhiều lần bị giật và ngất giữa đường khi đang đi. Trước khi ông ấy bị bắt, ông ấy có đến nhà cô H nhiều lần để chăm sóc cho cô, nấu ăn cho cô vì cô ấy không có người thân. Ông ấy cứ luôn miệng bảo rằng cô ấy là người rất tốt.

Có lần ông ấy hỏi luật sư của mình rằng:

– Anh có tin tôi vô tội không?

– Tôi tin hay không không quan trọng bằng việc toà có tin ông hay không.

Với một người đã mất hết hy vọng vào cuộc sống như ông ấy thì một câu trả lời của luật sư có thể mang một ý nghĩa rất lớn với ông. Dù luật sư không khẳng định là tin hay không tin nhưng ít ra nó không phải là một câu TÔI KHÔNG TIN ÔNG. Điều này cũng đã quá đủ để làm ông ấy cảm thấy phấn chấn hơn. Ngày hôm đó sau khi ra về, người luật sư có nói với tôi là anh ấy tin khách hàng của mình. Anh ấy nói anh cảm nhận được người tù nhân ấy nói thật. Nhưng có điều anh chàng luật sư cho rằng mối quan hệ giữa ông ấy và bà H có vẻ sâu sắc hơn nhiều so với những gì ông kể. Vì người phụ nữ này luôn là điều mà người tù nhân quan tâm nhất mỗi khi nói về.

Lần gặp mặt tiếp theo vị luật sư lại hỏi ông ấy về mối quan hệ của ông với bà H. Ông ấy mỉm cười ngại ngùng, hai bàn tay cứ bóp bóp các ngón tay ra vẻ hơi bối rối. Cái kiểu ngượng ngùng của một người đang yêu.

– Chúng tôi là bạn bè và hoàn cảnh cô ấy rất đáng thương, cô ấy hay bị bệnh nên tôi chỉ muốn chăm sóc cho cô ấy thôi.

Những lúc như thế tôi thấy ánh mắt của ông sáng lên rất lạ. Nó giống như có tia hy vọng nào đó chợt loé lên trong đôi mắt đó dù rất chóng vánh. Ông ấy luôn hào hứng mỗi khi nói về cô H và tôi có cảm giác như ông có thể nói về cô ấy cả ngày mà vẫn không chán. Nhiều lúc tôi nhìn ông ấy và thấy ông rất dễ thương. Một người đầu hai màu tóc như ông, cũng đã lăn lộn sương gió với đời ngần ấy năm xứ người mà khi nhắc đến cô H ông lại ngại ngùng, lúng túng như kiểu mối tình đầu. Những lúc như thế tôi thấy ông lóe lên một niềm vui rất lạ. Cái hạnh phúc của một người đang yêu.

Người luật sư cũng hứa sẽ giúp ông hỏi thăm thông tin về cô H xem sức khoẻ cô ấy ổn không và sẽ cập nhật cho ông hay vào lần gặp sau. Ông ấy có vẻ rất phấn chấn khi nghe điều đó. Ông không ngớt lời cảm ơn anh luật sư vì điều này. Trước khi chúng tôi ra về, ông ấy thường bắt tay chúng tôi rồi cảm ơn từng người. Ông ấy thường khen anh chàng luật sư đẹp trai và tốt bụng. Ông ấy không khen tôi như thế nhưng ông luôn nói với tôi một câu: “Ước gì chú có một đứa con dâu như cháu.” Những lúc như thế ông ấy thường nắm tay tôi rất lâu. Mắt rưng rưng, có gì đó ngậm ngùi, xúc động. Tôi thì khác, tôi luôn tỏ ra lạnh lùng với hầu hết khách hàng của mình. Một phần vì tính chất công việc nên tôi không được thể hiện cảm xúc thật của mình. Nhưng với ông thì khác, qua những lúc tôi phiên dịch cho ông, những lúc ông bắt tay tôi và ánh mắt của ông khi nói về người phụ nữ tên H làm tôi cảm nhận được một sự tử tế toát ra từ con người này. Có thể sự tử tế theo định nghĩa của tôi nó không giống với khái niệm của người khác nhưng với tôi ngay cả khi con người ta đi đến đường cùng và mất hết hy vọng vào cuộc sống, họ vẫn thể hiện sự tử tế của họ bằng cách này hay cách khác mà tôi có thể cảm nhận được. Thật lòng mà nói những lúc ông nói với tôi như thế tôi thấy thật đắng lòng, vừa thương cho ông, vừa cảm thấy tội tội nhưng tôi chưa bao giờ thể hiện cảm xúc của mình ra bên ngoài cho ông thấy.

Tôi là người không thích phán xét người khác. Nhất là ở vị trí của tôi, tôi càng phải công tâm và không được mang cái nhìn cá nhân phán xét những người như ông. Với góc nhìn của tôi, mỗi con người đều có những góc khuất riêng, với những lòng trắc ẩn riêng. Nếu không phải là họ, bạn cũng khó có thể hiểu được tại sao họ lại làm như thế. Người ta thường đánh đồng những người phạm tội với những hình ảnh những kẻ máu lạnh, vô lương tâm, mất đạo đức, đáng kinh tởm,… Một cái nhìn rất nặng nề và đầy phán xét dành cho những tội nhân. Như một người nghiên cứu về luật pháp, với tôi cái ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và hoàn cảnh khác nhau chứ không nhất thiết chỉ vì ý chí chủ quan của người đó. Đạo đức của một con người vì vậy cũng không nên bị đánh đồng chỉ vì một sai lầm nào đó trong đời mà đôi khi nó không đến từ ý muốn của họ. Có ai mà chưa bao giờ mắc sai lầm trong đời. Chỉ có điều cái giá của mỗi sai lầm là không giống nhau. Có lẽ góc nhìn của tôi về những người phạm tội sẽ rất khác so với cái nhìn của mọi người. Tôi cũng có một người bạn làm cảnh sát. Có lần anh ấy vì cố phụ cha mình làm công việc vườn mà bụng đói meo. Lúc đó anh vào nhà bới một tô cơm ăn mà tay rung như thể không cầm được cái tô. Lúc đó anh ấy nói với tôi rằng: – Bây giờ thì tao hiểu tại sao mấy thằng vô gia cư nó lại đi ăn cướp rồi, đói quá chịu không nổi thiệt. Đơn giản là như vậy đó, khi một người cảnh sát rơi hoàn hoàn cảnh của một kẻ cướp đang đói thì anh ấy cũng sẽ hiểu được tại sao tên cướp đó lại hành động như vậy. Đó là lý do tôi nói cái ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội đôi khi nó cũng mong manh lắm.

Có một kỷ niệm khó quên khác mà tôi nhớ mãi. Khi đó là lần thứ tư hay thứ năm tôi đi dịch cho ông ấy. Khi đó tôi đi ngang cổng an ninh và máy quét phát hiện có chất ma túy trong quyển sổ tay của mình. Thế là tôi bị mời sang một khu vực riêng để họ điều tra. Lúc đó luật sư đã được vào bên trong và anh ấy không hiểu chuyện gì đang xảy ra với tôi. Anh ấy cứ đứng chờ tôi và ra vẻ nóng ruột vì thường lịch hẹn với luật sư chỉ giới hạn tầm 2 giờ đồng hồ trên một buổi hẹn mà việc kiểm tra an ninh thường mất hết nửa giờ mới xong. Khi đó tôi ra hiệu cho anh ấy là tôi không thể vào bên trong được vì tôi bị giữ lại để điều tra. Tôi được đưa vào một khu vực riêng, ở đó tôi gặp một người phiên dịch khác. Tôi không nhớ rõ về cô ấy, dường như cô là một người phiên dịch tiếng Thỗ Nhĩ Kỳ. Cô ấy cũng bị đưa vào đây vì họ nghi ngờ trong những đồ đạc cô ấy mang theo bên người có chứa ma túy. Cô ấy có vẻ mất bình tĩnh và hốt hoảng. Cô ấy la lên: – Làm sao chuyện này có thể xảy ra được? Tôi không giống cô ấy, tôi ngồi bình tĩnh trên một cái ghế để chờ kết quả điều tra vì đơn giản tôi biết tôi không có mang ma túy bên người nên tôi không có gì phải lo lắng cả. Tôi nghĩ đó là một lỗi gì đó từ cái máy quét.

Anh chàng luật sư sau hồi lâu chờ mà không thấy tôi đâu nên anh ấy cũng đi ra, anh ấy tiến về phía nhân viên an ninh và nói với họ rằng:

– Cô ấy là phiên dịch của tôi. Chúng tôi chỉ có 2 giờ đồng hồ để nói chuyện với khách hàng của mình thôi. Có cách nào để cô ấy được đi vào bên trong không?

Người nhân viên an ninh đáp lại:

– Xin lỗi anh vì điều này nhưng chúng tôi cần kiểm tra lại quyển sổ tay của cô ấy trước khi cô ấy có thể vào.

Anh luật sư tiến về phía tôi, anh ấy ngồi xuống cái ghế cạnh tôi. Anh ấy hỏi:

– Có vấn đề gì với quyển sổ sao?

– Không! Đây là quyển sổ tôi vẫn thường dùng. Những lần trước vào đây tôi cũng dùng quyển sổ này. Tôi không biết tại sao máy quét lại phát hiện có chất may túy trong đó. Tôi cũng đang không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Chúng tôi ngồi chờ khoảng 30 phút. Sau đó một nhân viên an ninh đi về phía chúng tôi anh ấy nói:

– Xin lỗi cô vì sự việc này! Chúng tôi đã kiểm tra và vấn đề nằm ở máy quét an ninh vì tất cả những người khách sau đó cũng đều bị máy quét phát hiện có mang ma túy. Tôi nghĩ cô có thể đi vào bên trong được rồi.

Sự việc không mong muốn đó làm mất của chúng tôi hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi chỉ còn lại gần 50 phút cho cuộc hẹn. Khi chúng tôi đi đến phòng chờ, tôi thấy ông ấy đã đứng chờ sẵn ở khu vực check in, mặt ông sáng bừng lên vẻ vui mừng khi thấy chúng tôi đến. Cô nhân viên tại quầy check in nói với chúng tôi rằng ông ấy đã đứng chờ ở đây rất lâu và nhất định không chịu quay về phòng giam mặc dù tôi đã bảo với ông ấy có thể hôm nay luật sư của ông không đến.

Chúng tôi cùng vào phòng thăm và ngồi làm việc như những hôm trước. Lần này vị luật sư và tôi gửi lời xin lỗi ông vì sự việc không mong muốn đã phải để ông chờ lâu như thế. Ông ấy cứ luôn miệng nói không sao mặc dù lúc đó tôi thật sự rất ái nái trong lòng. Cảm giác phải để ai đó chờ đợi mình thật khó chịu, không thể diễn tả được. Ông ấy quay sang nói với chúng tôi:

– Nhờ luật sư và cháu mà chú có niềm tin nhiều hơn vào cuộc sống này. Chú không biết tại sao cứ mỗi lần gặp luật sư và cháu là chú cảm thấy rất vui. Hôm nay chú đứng chờ ở đó. Bà nhân viên kia kêu chú quay về phòng giam đi, hôm nay luật sư của ông chắc không đến đâu. Nhưng chú nói: Không! Tôi sẽ chờ họ đến. Họ hứa đến thì nhất định họ sẽ đến và thế là luật sư và cháu đã đến thật. Chú vui lắm!

Lúc đó tôi nghe ông ấy nói mà không kiềm được sự xúc động trong lòng mặc dù bên ngoài vẫn là vẻ mặt lạnh băng của tôi. Những điều như thế thật sự chạm đến trái tim tôi. Tôi không biết đó là cái gì nhưng tôi thấy ông ấy thật tội. Một người đã mất hết hy vọng vào cuộc sống lại một lần nữa tìm thấy những tia hy vọng nhỏ nhoi, hiếm hoi đến từ một người luật sư của mình. Lúc đó tôi không biết liệu luật sư của ông có thể giúp ông được bao nhiêu, có bao nhiêu cơ hội để ông có thể trắng án. Nhưng ngay khoảnh khắc đó, tôi thấy ông thật đáng thương và tội nghiệp. Tôi có thể thấy rất rõ một điều là ông ấy có vẻ tươi tắn hơn, có sức sống hơn nhiều so với ngày đầu tôi gặp ông.

Vì thời gian còn lại của cuộc hẹn không còn nhiều nên luật sư chỉ hỏi được vài thông tin và sắp xếp cho cuộc hẹn sau đó. Lần này luật sư thông tin cho ông rằng anh ấy vẫn chưa liên hệ được với phía luật sư của cô H nên anh ấy không biết hiện cô ấy bị giam ở đâu. Anh ấy sẽ cố gắng hỏi thăm thông tin này dùm ông. Rồi ông đưa cho luật sư một phong bì, trong đó là một bức thư viết tay. Ông ấy nói đã xin phép nhân viên cai quản nhà tù và họ cho phép ông viết lá thư này. Đây là lá thư ông viết cho cô H để hỏi thăm cô ấy khỏe không, cô ấy có ăn được không và đừng lo lắng cho ông. Lá thư được viết bằng tiếng Việt với những dòng chữ nguệch ngoạc. Nhưng tôi hiểu đó là tất cả tâm tư của ông. Tôi đoán chắc ông đã rất xúc động khi viết những dòng thư này cho cô ấy. Lúc đó hình ảnh của ông trong tôi hiện lên thật đẹp, thật đáng trân trọng. Đó là tình yêu của một người tù nhân. Ông ấy nhờ luật sư liên hệ với luật sư của cô H và trao cho cô ấy lá thư tay này. Anh chàng luật sư cầm lá thư và nói:

– Tôi sẽ giúp ông hỏi thăm thông tin của cô H. Còn lá thư này có đến được tay cô ấy hay không còn tùy thuộc vào nội quy nơi giam giữ của cô ấy nữa. Nếu họ không cho đưa thư vào thì tôi sẽ không thể giúp ông được, nhưng tôi sẽ thử một lần.

Lúc đó tôi thấy ánh mắt ông ấy sáng lên những tia hy vọng. Mặt ông tươi tắn và bừng lên nét hạnh phúc của một người đang yêu. Cái hạnh phúc đó nó làm cho cả người ngồi bên cạnh ông cũng có thể cảm nhận được rất rõ. Dù không nói ra nhưng tôi và anh chàng luật sư cũng có thể cảm nhận được là ông ấy đang yêu. Một người khi đang yêu thì dù không nói ra thì niềm hạnh phúc cũng thể hiện hết trên gương mặt của họ. Nhiều lúc tôi thầm cảm ơn ông trời vì đã cho ông ấy một tình yêu trong những lúc khó khăn như thế này. Nhiều khi tôi tự hỏi nếu không phải là tình yêu thì tôi không biết còn điều gì có thể cứu rỗi tâm hồn ông trong những lúc bị giam ở đây. Ông ấy bảo luật sư có cần phiên dịch dịch lá thư này không để luật sư biết nội dung của nó. Anh chàng luật sư cũng rất tâm lý, anh ấy nói không cần đâu. Có lẽ anh ấy hiểu rằng lá thư này không dành cho anh nên anh ấy không nên đọc nó hay biết nội dung của nó. Cũng có thể anh ấy tin tưởng ông nên anh ấy không cần kiểm tra lại nội dung bức thư. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn thấy có một sự tử tế từ hai người đàn ông mà tôi đang ngồi chính giữa. Một người tù nhân và một người luật sư.

Ngày 6 tháng 9 năm 2018

Tôi nhớ rất rõ hôm đó là lần thứ 10 cũng là lần cuối cùng tôi phiên dịch cho ông. Hôm đấy là một ngày tôi không thể quên. Ngày hôm đó luật sư đặt lịch tôi phiên dịch cả hai buổi sáng và chiều. Hôm đó, tôi đi bus từ bến tàu đến nhà tù như mọi khi nhưng tôi không dùng Google Map vì tôi nghĩ tôi đã quá quen với con đường này. Ngồi trên xe bus một hồi lâu mà xe vẫn chưa đến trạm dừng gần nhà tù nên tôi lấy điện thoại ra xem thì mới phát hiện ra con đường mà tôi thường đi đã bị đóng để nâng cấp, vì vậy chiếc xe bus phải chạy sang một con đường khác mà tôi không để ý. Tôi liền bấm chuông dừng để vội xuống bus. Đã gần đến giờ hẹn mà tôi thì lại đang đứng ở một nơi mà không biết đó là đâu. Lúc đó đầu óc tôi có chút hoảng loạn vì tôi sợ nhất việc đi trễ cho những cuộc hẹn như thế này. Bình tĩnh lại một chút, tôi hít một hơi thật sâu và tìm cách. Tôi tra Google Map thì con đường nhanh nhất để quay lại nhà tù là tôi phải đi băng qua mà đúng hơn là chạy băng qua một cái nghĩa địa. Đó là con đường tắt ngắn nhất, chạy nhanh nhất cũng mất 10 phút. Điều này vẫn tốt hơn là đứng đây và chờ taxi đến. Thế là tôi quyết định băng qua cái nghĩa địa đó. Hôm đó là một buổi sáng sớm, gió hiu hiu lạnh. Ban đầu mới đi vào nghĩa địa tôi không thấy một bóng người. Tôi vừa sợ vừa lo trễ giờ nên cứ cố chạy nhanh nhất có thể. Xui xẻo là hôm đó tôi chưa ăn sáng nên cái cảm giác đó nó vừa mệt vừa khổ sở không thể diễn tả hết. Chạy đến một nữa đoạn đường thì tôi gặp một nhóm thanh niên tầm tuổi teen. Chúng đứng tụ tập với nhau như đang bàn tính điều gì đó. Lúc đó trong đầu tôi hiện lên câu hỏi: – Tầm sáng sớm thế này mà bọn nó ra đây làm gì thế nhỉ? Lúc đó có một đứa nhìn thấy tôi chạy như ma đuổi nên nó huýt sáo chọc ghẹo. Rồi cả bọn hùa nhau huýt sáo theo. Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ hoảng loạn như lúc đó. Nghĩa địa thì rộng thênh thang mà chỉ mình tôi lúc đó. Tôi cố chạy nhanh hơn khi nghe bọn nó huýt sáo và cười cười nói nói điều gì đó. Cả đám đang nhìn về hướng tôi, đưa tay chỉ trỏ như muốn làm điều gì đó. May mắn thay khi tôi gần như mệt lả thì tôi thấy một cặp đôi khá đứng tuổi đang đi viếng nghĩa địa. Tay họ đang cầm những bó hoa tươi. Lúc đấy tôi thầm cảm ơn trời phật vì sự xuất hiện của họ vào lúc đó. Nó như một điều gì đó cứu cánh cho tôi trong lúc tinh thần tôi không còn bình tĩnh vì quá lo sợ.

Cuối cùng tôi cũng đã đến nơi sớm hơn 5 phút so với lịch hẹn. Bây giờ ngồi suy nghĩ lại, tôi cũng không hiểu vì sao mình đã làm được điều đó. Lúc đến phòng gửi đồ, tôi đã ngồi xuống thở hổn hển. Cô tiếp tân cho tôi hay là luật sư của tôi chưa đến, thế là tôi thầm cảm ơn trời phật một lần nữa. Hôm nay có một cô trạng sư người gốc Việt cũng tham dự cuộc gặp mặt này. Đây là lần đầu tiên tôi gặp cô ấy. Cô ấy tỏ ra là người rất chuyên nghiệp, ăn mặc chỉnh tề, trông rất oai như kiểu mấy cô luật sư tôi thường thấy trong mấy bộ phim HongKong. Chúng tôi ngồi làm quen ở phòng gửi đồ trong lúc chờ anh chàng luật sư đến. Thật ra anh chàng luật sư và cô trạng sư này cũng chưa từng gặp nhau trước đây. Để dễ hình dung về sự khác biệt giữa trạng sư và luật sư, tôi xin vắn tắt thế này. Các văn phòng luật sư thường là đại diện cho thân chủ của họ trước các vấn đề về pháp lý. Thường thì luật sư (solicitor) của những văn phòng này sẽ là người làm việc trực tiếp (như lấy lời khai trực tiếp, thu thập bằng chứng trực tiếp) với khách hàng/ thân chủ và có khi chuẩn bị một bản tuyên bố (statement) cho họ. Phần lớn luật sư làm các công việc bên ngoài tòa án như tại nhà tù hoặc văn phòng luật sư. Còn trạng sư (barrister) mặc dù không làm việc trực tiếp với thân chủ, nhưng sẽ là người bào chữa cho họ khi đứng trước tòa. Trạng sư sẽ dựa vào hồ sơ và các bằng chứng mà luật sư đã chuẩn bị khi làm việc trực tiếp trước đó với khách hàng để nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị các lập luận để bào chữa cho họ. Đa phần trạng sư sẽ là người làm các công việc tại tòa như bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên trạng sư khi ra tòa sẽ phải cần tham vấn ý kiến và những lời khuyên, những chỉ dẫn của văn phòng luật sư mà họ đại diện trong những trường hợp cần thiết.

Hôm nay vì gần ngày ra tòa nên cô trạng sư muốn gặp trực tiếp khách hàng để hỏi ông ấy một số câu hỏi mà cô ấy chưa rõ để cô có thể chuẩn bị cho ngày ra tòa tốt nhất có thể. Khi gặp cô trạng sư, ông ấy có vẻ rất vui. Họ đã từng gặp nhau ở buổi ra tòa trước đó (trước khi tôi gặp ông) nên cô ấy cũng không cần giới thiệu gì nhiều về cô. Cô trạng sư cũng cho ông ấy xem một video mà bên phía cảnh sát cung cấp cho cô. Đây là một trong những bằng chứng của bên phía cảnh sát. Vì vậy cô ấy cần cho ông xem và xác nhận một vài thông tin từ nội dung của video này. Cô ấy thông báo cho ông biết là bên phía tòa án đã định ngày xét xử và bởi vì đa số bị cáo trong vụ án này cư trú tại London nên tòa án tại London sẽ xét xử vụ án này chứ không phải tòa ở đây. Vì vậy có thể ông ấy sẽ được chuyển đến một nhà tù khác ở London trước ngày xét xử. Ông ấy quay sang hỏi tôi:

– Vậy cháu có đến phiên tòa với chú vào ngày hôm đó không?

Tôi dịch lại câu hỏi của ông cho cả cô trạng sư và anh luật sư nghe. Sau đó tôi trả lời ông là phía tòa án có phiên dịch riêng nên tôi sẽ không phải là người dịch cho ông ngày hôm đó.

– Nhưng nếu chú cần cháu đi theo thì có được không? Kể cả anh luật sư này nữa? Bởi vì hai người đã theo hồ sơ của chú đến tận bây giờ nên nếu có hai người chú sẽ yên tâm hơn.

Tôi nhìn anh luật sư. Anh ấy nói có thể anh ấy sẽ sắp xếp để đi đến phiên xét xử hôm đó. Còn tôi thì không từ chối thẳng mà tôi nói tránh rằng tôi cần xem lại lịch của mình nên tôi không thể trả lời ông ngay được. Sau buổi gặp mặt buổi sáng hôm đó, chúng tôi nghĩ giải lao buổi trưa trước khi vào cuộc hẹn vào lúc chiều. Vào buổi trưa hôm đó tôi có nói với anh luật sư rằng:

– Tôi nghĩ hôm nay sẽ là ngày cuối cùng tôi có thể dịch cho ông ấy.

– Có vấn đề gì sao? Cô có thể tiếp tục những lần sau không vì dù sao ông ấy cũng sắp ra tòa rồi. Cô cũng đã làm rất tốt công việc của mình từ đó đến giờ. Tại sao cô không thể tiếp tục được nữa? Có điều gì bất tiện sao?

– Không! Chỉ là tôi có việc riêng cần giải quyết trong thời gian tới.

– Nhưng cô nói điều này đột ngột quá làm tôi bất ngờ. Cô thật sự có vấn đề gì với ông ấy sao?

– Không! Không! Chỉ là tôi có việc gia đình. Có thể tôi sẽ về Việt Nam trong thời gian tới nên tôi không tiếp tục được.

– Thế khi nào cô bay?

– Tôi vẫn chưa book vé, còn tùy tình hình. Nhưng tôi không nghĩ là tôi sẽ tiếp tục cùng anh được.

– Tiếc quá! Nhưng nếu cô thay đổi kế hoạch, vui lòng cho tôi hay vì tôi cũng rất mong cô tiếp tục vụ này với tôi.

– Ok! Nhưng có điều này anh có thể giúp tôi không?

– Cô nói đi.

– Tôi biết hôm nay là ngày cuối tôi dịch cho ông ấy. Nhưng tôi không muốn ông ấy biết điều này vì tôi nghĩ ông ấy sẽ rất thất vọng nếu biết rằng tôi không thể tiếp tục nữa. Tôi không muốn ông ấy buồn và suy nghĩ nhiều. Điều này không tốt cho ông.

– Umh! Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao cô không tiếp tục được. Cô có thể nói với tôi không? Có phải cô và ông ấy có mối quan hệ nào mà nó sẽ ảnh hưởng đến tính công tâm khi phiên dịch không?

– Không! Không phải như vậy! Vấn đề không nằm ở ông ấy. Mà là tôi có việc cá nhân. Tôi không tiện nói ra ở đây. Đó chỉ là vấn đề cá nhân của tôi.

– Ok! Tôi hiểu rồi! Nhưng tiếc quá!

Thế rồi tôi và anh luật sư tiếp tục vào gặp ông ấy cho buổi hẹn chiều hôm đó. Giống như có linh cảm, ông ấy cứ hỏi tôi mãi về việc tôi đã kiểm tra lịch hay chưa và liệu tôi có thể đến tham dự phiên xét xử của ông không? Tôi không quen nói dối. Nhất là với một người như ông thì tôi càng không thể nói dối. Nhưng tôi cũng không thể nói thật lòng là tôi không thể tiếp tục vụ án của ông được và rằng tôi phải dừng lại hôm nay. Vì vậy tôi đã nói với ông ấy rằng hôm đó tôi đã có lịch bận nên tôi không đi cùng ông được. Thật ra thì câu trả lời chính xác vẫn là kể từ hôm nay tôi không thể đồng hành cùng ông nữa. Nhưng điều đó thật sự quá khó để nói ra trong lúc đó. Tôi có thể dễ dàng thấy nỗi buồn trên gương mặt ông lúc đó. Dù như thế ông ấy vẫn hy vọng rằng tôi có thể tham dự cùng ông. Ông ấy quay sang hỏi anh chàng luật sư:

– Anh làm ơn nói với tòa dời ngày xét xử được không? Tòa có thể dời đến ngày nào mà cháu phiên dịch này rảnh để cô ấy có thể tham dự cùng tôi không?

– Tôi e là không vì tòa án có lịch của tòa án. Tôi không thể can thiệp được. Vả lại vụ án này rất nghiêm trọng vì có rất nhiều bị cáo. Tôi không nghĩ tòa sẽ dời ngày vì lý do này.

Khi tôi nghe ông ấy nói với luật sư về việc xin tòa dời ngày để tôi có thể tham dự cùng ông, lúc đó trong lòng tôi nhói lên một điều gì đó khó tả. Nếu gọi là cảm thấy có lỗi cũng không hẳn là sai. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại có cái cảm giác đó. Ông ấy và tôi là hai người xa lạ, tôi không quen biết ông. Ông cũng không biết tôi là ai. Tôi chỉ dịch cho ông được 10 buổi, kéo dài chưa gần 4 tháng. Vậy mà ông đã trở nên rất đặc biệt với tôi bằng một cách nào đó. Có lẽ với ông, tôi cũng như thế. Tôi cảm nhận được sự thay đổi rất rõ ở ông kể ngày đầu tiên tôi phiên dịch cho ông cho đến hôm nay. Từ một người đàn ông hốc hác, mất hết hy vọng và niềm tin vào cuộc sống rồi dần dần trở thành một người tràn đầy niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, được ra tù và gặp lại bà H. Tôi không hiểu sao cái cảm giác ái nái và có lỗi cứ ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Có lẽ bởi vì ông ấy đã từng nói với tôi rằng bởi vì tôi và anh chàng luật sư mà ông đã có lại niềm hy vọng trong cuộc sống này. Rằng chúng tôi đã mang đến cho ông những niềm hạnh phúc, cái ánh sáng le lói nơi cuối con đường. Rằng ông cảm giác ít nhất có hai con người đang đồng hành cùng ông và ông không cảm thấy một mình. Rằng ông mong có một đứa con dâu như tôi. Rằng ông luôn trông chờ để được gặp tôi và anh luật sư và vì thế đêm hôm trước mỗi buổi hẹn ông thường không ngủ được vì háo hức. Tất cả những điều đó làm tôi thấy nhói trong lòng. Có lẽ ông ấy nói thật. Rằng chính chúng tôi đã nhen nhóm trong ông một hy vọng (dù mong manh) về một cuộc sống, một tương lai tươi sáng hơn của ông và rồi tôi, một trong số hai người đó đã không thể tiếp tục đồng hành cùng với ông.

Trước khi chia tay ông ra về ngày hôm đó, ông ấy đã bắt tay tôi và nắm tay tôi thật lâu. Có thể ông ấy cũng cảm nhận được điều gì đó bất thường. Ông ấy nói với tôi một câu: – Chú rất mong cháu có thể tiếp tục giúp chú. Lúc đó tôi thấy rất tội nghiệp ông. Tôi cảm giác xót xa nhưng tôi không thể làm gì khác. Tôi có nói với ông: – Dù thế nào đi chăng nữa thì cháu cũng sẽ luôn cầu mong mọi việc tốt đẹp sẽ đến với chú.

nguoi-tu-nhan-dang-yeu

Ngày hôm đó sau khi ra về, đầu tôi cứ miên man suy nghĩ về ông, về một ngày thật lạ lùng của mình. Kể từ sau ngày đó tôi cũng không có tin tức gì thêm về vụ xét xử của ông. Tôi cũng không biết ông có bị kết án hay không. Tôi dường như không có bất kỳ sự kết nối nào nữa với ông ấy. Nhưng ông ấy luôn là một người khách hàng rất đặc biệt đối với tôi. Một người đàn ông rơi vào hoàn cảnh tù tội như thể không có tương lai, mất hết tất cả, mất hết hy vọng vào cuộc sống vẫn đau đáu hướng về một người phụ nữ bệnh tật và quan tâm bà ấy nhiều hơn bản thân mình. Rồi tự viết những dòng thư tay để hỏi thăm bà. Một người đàn ông đã mất hết niềm tin vào cuộc đời lại tìm thấy lại niềm vui từ người luật sư và cô phiên dịch như tôi. Tôi không biết điều gì từ tôi đã làm cho ông có chút hy vọng vào cuộc sống như thế nhưng với tôi ông có quá nhiều cái để tôi phải học hỏi. Một người đàn ông dù không còn gì vẫn cư xử tử tế nhất có thể trong những khoảnh khắc khốn cùng nhất của cuộc đời. Ánh mắt ông ấy cứ làm tôi bị ám ảnh mãi cho đến tận bây giờ. Đó là ánh mắt của một người mất hết niềm tin vừa tìm được chút ánh sáng. Đó là ánh mắt của một người chỉ biết trông chờ vào những tia hy vọng cuối cùng. Đó là ánh mắt của một người tù nhân đang yêu…

Thuynhoi Tran

08.4.2021

About The Author

Thuy Tran

I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.