Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy cố gắng học tập để một ngày nào đó có điều kiện, các bạn nên đi du học và bước ra thế giới bên ngoài để khám phá thế giới, khám phá bản thân thay vì nghĩ đến việc kết hôn và có một mái ấm khi còn quá trẻ. Hy vọng câu chuyện về 50 pence đắt giá nhất của tôi sẽ làm các bạn hiểu thêm vì sao các trải nghiệm du học lại giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Nhiều bạn trẻ chọn đi du học, phần vì cha mẹ các bạn có điều kiện và mong muốn như thế, phần vì các bạn cũng muốn khám phá nhiều hơn về thế giới bên ngoài, hoặc đơn giản không ít bạn cũng muốn có những bức ảnh check-in sống ảo ở nước ngoài như người này người kia. Nếu nhà bạn có điều kiện và ba mẹ bạn có thể hỗ trợ bạn về mặt tài chính để đi du học, hiển nhiên điều đó không có gì sai. Nhưng tôi vẫn thường nói với các bạn rằng, khi bạn đã 18 tuổi thì bạn nên cảm thấy xấu hổ mỗi khi chìa tay xin tiền của ba mẹ. Sự xấu hổ đó là điều cần thiết để các bạn có thể rèn luyện tính tự lập và lòng tự trọng của mình.
Dù điều kiện tài chính của bạn như thế nào, thì việc đi du học chưa bao giờ là một con đường trải đầy hoa hồng. Rất nhiều bạn sinh viên vừa học, vừa làm để trang trải cuộc sống, tự lực cánh sinh, thậm chí còn giúp đỡ cho gia đình của họ. Những công việc làm thêm xứ người cũng rất đa dạng, từ việc cọ chùi toilet, làm cleaner, làm bồi bàn hay làm cho một công ty nào đó. Khi bạn đi làm ở nước ngoài, đồng tiền có vẻ có giá trị hơn ở Việt Nam. Phần vì sự chênh lệch tỷ giá, nhưng sự thật vẫn là đồng tiền đó bạn kiếm được bằng cả mồ hôi, nước mắt, sự chịu đựng và sự nổ lực của bản thân.
Liên quan đến hành trình đi du học tại UK, để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện về 50 pence đắt giá nhất của tôi. Câu chuyện đó xảy ra vào ngày 14.7.2016. Lúc đó đang là giữa học kỳ năm thứ nhất. Tôi luôn luôn nhớ như in trong đầu vì hôm đó là một ngày vô cùng tồi tệ của tôi. Hôm đó, tôi có đăng ký một buổi học tập huấn ở trường đại học lúc 10 am. Buổi tập huấn dành cho các sinh viên muốn tìm hiểu sâu hơn về cách phân tích dữ liệu trong nghiên cứu. Để đến trường, tôi thường phải đi qua hai chuyến bus. Một chuyến từ nhà đi đến thị trấn và chuyến tiếp theo từ thị trấn đến trường đại học. Nếu mua vé return cho cả hai chuyến bus thì tôi cần có £4.20 nhưng nếu mua lẻ từng vé single thì mỗi vé sẽ là £1.30 cho chuyến đầu và £2.70 cho chuyến thứ hai. Tất nhiên vé return luôn rẻ hơn nhiều so với việc mua từng vé single. Hôm đó trong túi tôi chỉ còn duy nhất £3.50. Đó là những đồng xu cuối cùng còn xót lại mà tôi có được. Tôi đã vét hết tất cả những đồng xu mà tôi có kể cả những đồng 1p, 2p. Xui xẻo là những người cùng sống chung nhà tôi họ đã đi holiday vài ngày hôm trước nên tôi không thể làm phiền họ. Điện thoại tôi lại hết tiền nên tôi không thể gọi cho ai. Mà dù có thì tôi cũng không biết gọi cho ai nữa. Ở nước ngoài, bạn không dễ dàng mượn được tiền của một ai đó vì họ cũng rất dè chừng. Phải thân thiết lắm thì mới cho mượn. Mà lúc đó tôi cũng không có ai là thân thiết cả. Trong sáu tháng đầu của năm thứ nhất tôi vừa phải học bốn môn bắt buộc, vừa viết báo cáo cho năm nhất vừa phải hoàn thành một chương của luận án nên tôi không còn thời gian để đi làm thêm mặc dù tôi cũng đã lên kế hoạch đi làm thêm ngay sau khi tôi hoàn thành các môn học đó. Vì vậy việc chi tiêu trong khoảng thời gian đó cũng rất cẩn thận và tiết kiệm. Tôi đã bắt đầu hành trình du học bằng số tiền ít ỏi mà các bạn bè ở Việt Nam cho mượn cùng với khoản tiền tiết kiệm của mình. Họ luôn là những người bạn tử tế nhất mà cho tới bây giờ tôi vẫn luôn biết ơn họ về điều đó.
Tôi là một người rất ham học, đặc biệt đối với những thứ mà mình thích. Đôi lúc tôi ngồi nhìn lại nếu không phải vì cơm áo gạo tiền thì thành tích học tập của tôi chắc chắn đã ấn tượng hơn nhiều. Vì vậy ngày hôm đó, tôi không muốn bỏ lỡ buổi tập huấn đó. Đối với một người ham học mà không được học nó đau khổ lắm. Thế là tôi vẫn quyết định đi học. Vì tôi chỉ có £3.50 nên tôi không đủ tiền mua vé return (hai chiều) cho hai chuyến bus. Tôi quyết định mua vé single (một chiều) đến thị trấn. Lúc đó trong đầu tôi nghĩ rằng khi đến thị trấn tôi sẽ tìm cách để bắt chuyến bus thứ hai. Sau khi mua vé, tôi chỉ còn lại £2.20, nghĩa là tôi còn thiếu 50 pence (hay £0.5) để đủ tiền mua vé single cho chuyến bus thứ hai. Ở đây với 50 pence bạn có thể mua được một gói mì tôm Hảo Hảo. Nói vậy để dễ hình dung 50 pence nó ít ỏi như thế nào. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng miễn sao tôi được đi đến trường là được vì tôi thật sự rất muốn được tham dự buổi tập huấn đó. Tôi không dám nghĩ đến việc mình sẽ bỏ lỡ buổi đó.
Tôi đã đi đến trạm bus ở thị trấn và chờ bắt chuyến bus thứ hai. Trong đầu tôi bấy giờ chỉ quay quanh một câu hỏi duy nhất là phải làm sao để có 50 pence đây? Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu và tôi quyết định làm điều đó. Đó là một quyết định vô cùng khó khăn, đối với một người có lòng tự trọng cao như tôi. Lúc đó tôi tự an ủi bản thân rằng thì ở đây người bản xứ họ cũng đi xin ăn đấy thôi. Họ ngồi đầy ngoài đường, không có gì phải xấu hổ cả. Tôi lấy hết cam đảm tiến lại gần một người đàn ông trung niên đứng gần đó. Ông ấy đang nghe điện thoại. Tôi đưa mắt nhìn ông để ra hiệu rằng tôi muốn nói chuyện với ông. Đợi ông ấy nói chuyện điện thoại xong tôi cố nở một nụ cười thật tươi để chào ông. Ông ấy cũng cười lại một cách xã giao. Tôi bắt đầu nói:
– Xin lỗi ông, tôi đang cần giúp đỡ. Ông làm ơn có thể giúp tôi được không. Tôi đang cần 50 pence để mua vé bus vì tôi chỉ có £2.20.
Ông ấy khoác tay nhanh chóng rồi vội bước đi: – Sorry! Sorry!
Lúc đó tôi thấy mình thật đáng thương, tôi cảm thấy thật khổ sở. Nhưng không bỏ cuộc, tôi quay sang tìm một người khác. Gần đó có một cái máy ATM. Tôi nhìn thấy có một người đàn ông đang rút tiền. Tôi đứng cách xa ông ấy và chờ đến khi ông ấy rút tiền bỏ vào bóp cẩn thận. Tôi tiến lại gần ông ấy. Tôi chào ông nhưng lần này tôi không mỉm cười như lần trước. Tôi hỏi ông ấy liệu ông có thể cho tôi mượn 50 pence không vì tôi không đủ tiền mua vé xe bus, tôi chỉ có £2.20. Lúc đó ông ấy nhìn xuống tay tôi và thấy tôi đang cầm những đồng bạc lẻ. Ông ấy mở bóp tiền ra ngắm ngắm, tìm tìm. Xong ông ấy đáp:
– Xin lỗi, tôi chỉ có tờ £5 thôi. Tôi không có 50 pence. Tôi nghĩ cô có thể hỏi người khác. Tôi tin họ có thể giúp đỡ cô.
Rồi ông ấy bước đi. Lúc đó, tôi bị tổn thương ghê gớm. Tôi không biết vì sao nữa. Lúc đó cảm xúc của tôi dâng lên rất mạnh, tôi như muốn khóc. Cùng lúc đó chiếc xe bus cũng vừa đến. Trong lúc đứng xếp hàng để lên xe bus tôi cố thử hỏi một người phụ nữ đứng xếp hàng trước mặt tôi nhưng cô ấy cũng lắc đầu xin lỗi.
Tôi là người đứng cuối cùng trong dãy người xếp hàng lên xe bus. Sau khi mọi người đã lên hết trên xe, tôi mới bước lên xe và tiến lại gần người tài xế. Ở đây tài xế xe cũng là người bán vé. Tôi cố gắng giải thích cho ông hiểu rằng tôi cần tham dự một buổi học ở trường nhưng tôi chỉ có £2.20, còn thiếu 50 pence. Liệu tôi có thể đi trên chuyến bus này được không vì buổi học đó rất quan trọng đối với tôi. Người tài xế đó mặt lạnh băng, lắc đầu: – Xin lỗi cô!
Rồi cánh cửa xe bus đóng lại, xe rời đi. Tôi vẫn đứng đó, mắt tôi cứ dõi về nó. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Công bằng mà nói thì ở đây nếu may mắn thì thỉnh thoảng bạn cũng bắt gặp những bác tài xế rất dễ thương và tốt bụng. Nếu là họ, họ sẽ giúp đỡ bạn ngay. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ luôn may mắn, nhất là những lúc như thế này. Suy cho cùng lòng tốt cũng chỉ là một sự lựa chọn, một thứ bonus, nó không phải là một nghĩa vụ nên tôi cũng không thể trông chờ hay quá hy vọng rằng ai đó sẽ tốt bụng với mình. Họ có quyền từ chối giúp đỡ tôi. Đó là sự lựa chọn của họ. Tôi không thể nói gì được. Thật lòng lúc đó tôi bị tổn thương ghê gớm. Tôi đứng đó hồi lâu trước khi tôi quyết định quay về nhà.
Trên đường từ thị trấn về nhà hôm đó tôi đã đi bộ một quãng đường khá dài, khoảng 40 phút vì tôi muốn dành £2.20 còn xót lại của mình cho những điều ý nghĩa hơn, thay vì lãng phí nó cho một chiếc vé single £1.50 để về nhà. Trên đường đi, đầu tôi cứ miên man nghĩ về bản thân, về cuộc đời, về cách cư xử giữa người với người. Tôi đã tự hỏi bao nhiêu năm qua tôi đã làm cái gì vậy? Tôi đã làm cái gì với cái tuổi trẻ của mình để cho đến lúc này đến 50 pence cũng không có đủ. Ngày hôm đó tôi thấy mình thật thảm hại, thật thất bại, thật tồi tệ. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Nó đã trở thành một động lực đằng sau mọi sự cố gắng vươn lên, chăm chỉ làm việc của tôi như bây giờ.
Thỉnh thoảng khi đi trên đường tôi vẫn gặp một số người xin tiền tôi. Họ thường xuất hiện trong bộ dạng khổ sở và tội nghiệp. Nhiều người cố giải thích lý do tại sao họ cần số tiền đó mỗi khi họ cần tôi giúp đỡ. Tôi thừa hiểu rằng có thể nhiều người trong số họ không nói sự thật. Nhưng sự thật là tôi thường không mấy quan tâm những lý do mà họ cố giải thích cho tôi nghe vì tôi vẫn luôn giúp đỡ họ nếu tôi có thể (tất nhiên là trừ những người nghiện rượu).
Nhiều người vẫn thường hỏi tôi tại sao lại đi “cày” nhiều thế. Kiếm tiền nhiều thế làm sao dùng hết. Những lúc như thế tôi chỉ cười trừ. Nếu bạn hiểu rằng 50 pence nó đã từng quý giá đối với tôi như thế nào, chắc chắn bạn sẽ không còn hỏi tôi những câu hỏi tương tự như vậy nữa.
Những cay đắng cuộc đời, những thử thách mà các bạn du học sinh (những người vừa học vừa làm) trải qua luôn làm cho trải nghiệm du học của họ phong phú và đáng giá hơn bội phần so với các du học sinh khác. Vì vậy dù là gia đình bạn có điều kiện đi chăng nữa, hãy thử một lần bước ra vùng an toàn đó, vượt qua giới hạn của bản thân và lao vào những thử thách, khó khăn ngoài kia mà tự kiếm những đồng tiền cho riêng mình. Bài học cuộc đời tôi bắt đầu từ 50 pence quý giá. Còn bạn? Bài học cuộc đời bạn đáng giá bao nhiêu?
Thuynhoi Tran
25.01.2021
(Bạn cũng có thể nghe bài viết này ở phiên bản podcast trên trang Thuynhoi Tran’s Blog hoặc nghe tại đây)
Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 4: Con Gấu Sô-Cô-La & Chậu Xương Rồng)
Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 3: Năm Nhất & Hai Biến Cố)
Hành Trình Tiến Sĩ (Phần 2: Chuyến Bay Đáng Nhớ, Một Cuộc Gọi Lạ Và Câu Chuyện Đổi Đề Tài)
I am a legal researcher, an interpreter in the UK and the author of Thuynhoi Tran’s Blog. I created this Blog to share my own lessons about life and self improvement.
Error: API requests are being delayed. New posts will not be retrieved for at least 5 minutes.
There may be an issue with the Instagram access token that you are using. Your server might also be unable to connect to Instagram at this time.
Click here to troubleshoot.